Cầu sông Tiền
Tại sao Không?
* Sự hình thành cây cầu đầu tiên trên hạ lưu sông Mekong - Mỹ Thuận
(Cầu Mỹ Thuận - Khởi công: 06/7/1997; Hoàn thành: 21/5/2000 )
Đây không phải lần đầu tiên cầu Mỹ Thuận được nhắc đến, và cũng không phải lần đầu tiên việc xây cầu được khởi công.
Thật vậy, cầu Mỹ Thuận được nghĩ tới lần đầu tiên vào cuối thập niên 1950, sau khi chủ quyền quốc gia được thu hồi từ tay người Pháp năm 1955 và Ủy ban Quốc tế Mekong được thành lập năm 1957।
Ủy ban Quốc tế Mekong; gồm 4 thành viên là Lào, Thái Lan, Kampuchea, và Nam Việt Nam; đề ra các nguyên tắc căn bản để bảo đảm rằng không một quốc gia thành viên nào có thể cản trở lưu lượng dòng chính, thủy vận, và việc sử dụng sông Mekong (1). Do đó, dự án xây cầu Mỹ Thuận của Việt Nam phải có sự đồng ý của các thành viên khác của Ủy ban Quốc tế Mekong. Lúc đó, Việt Nam đề nghị xây cầu Mỹ Thuận với một tầm gió 25 m, đủ cho tàu bè có trọng tải cao qua lại dễ dàng với một chi phí vừa phải.
Dự án gặp sự chống đối mạnh mẽ của Kampuchea, cho rằng tầm gió 25 m quá thấp và đề nghị nâng tầm gió lên 50 m. Với tầm gió nầy, chi phí của cây cầu tăng vọt quá khả năng của Việt Nam. Qua Ủy ban Quốc tế Mekong, các cuộc thương thảo được dàn xếp với kết quả là Kampuchea bằng lòng với tầm gió 37,5 m, con số trung bình của hai tầm gió mà Việt Nam và Kampuchea đưa ra. Mặc dù hài lòng với tầm gió 37,5 m, Kampuchea vẫn không chịu phê chuẩn dự án cầu Mỹ Thuận. Thế là dự án cầu Mỹ Thuận đầu tiên đã chết trong trứng nước.
Khoảng giữa thập niên 1960, để chuẩn bị cho “Chương trình Tái thiết và Phát triển Hậu chiến,” Việt Nam đơn phương tiến hành dự án cầu Mỹ Thuận. Các công ty nổi tiếng của nhiều quốc gia được mời tham dự vào dự án bằng cách gửi đồ án sơ khởi để được cứu xét. Hãng kỹ sư cố vấn Nippon Koei của Nhật Bản đã được chọn lựa và đã hoàn thành đồ án cầu Mỹ Thuận vào năm 1965. Theo đồ án nầy, cầu Mỹ Thuận nầy có lối kiến trúc cổ điển, với nhịp chính bằng sắt tương tự như các cầu lớn của ĐBSCL như cầu sắt Bến Lức và Tân An. Tiếp theo đó, công tác xây cất cầu tiến triển chậm vì nhiều lý do, mà quan trọng nhất là an ninh và tài chánh. Mãi đến năm 1970, công tác xây cầu Mỹ Thuận mới thật sự được khởi công. Công trường Cầu Mỹ Thuận, trực thuộc Bộ Công chánh và Giao thông, được thành lập để phụ trách công tác xây cầu. Một số công tác đáng kể đã được thực hiện, mà điển hình là giải tỏa lộ giới và đấp nền đường dùng cho việc xây cất cầu cũng như cho đường dẫn vào cầu trong tương lai. Dự án cầu Mỹ Thuận thứ nhì nầy cũng không khá hơn lần đầu, chỉ triển khai đến tháng 4 năm 1975 thì chấm dứt.
Như vậy, có thể nói dự án hiện nay là dự án thứ ba cho công cuộc xây cất cầu Mỹ Thuận, được khơi dậy qua lời yêu cầu trợ giúp của Việt Nam gửi cho Úc Đại Lợi vào năm 1993. Ngay trong năm sau, 1994, thủ tướng Úc, ông Paul Keating thuộc đảng Lao Động, đã cam kết cho việc xây cầu.
Sau nhiều lần thay đổi do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, ngày 06/7/1997, cầu Mỹ Thuận được khởi công xây dựng và hoàn thành vào ngày 21/5/2000 .Sớm hơn 2 tháng so với dự kiến.
+ Các đặc tính kỹ thuật cơ bản của Cầu Mỹ Thuận:
Dầm cầu: cấu tạo bê tông Dự Ứng Lực Grade 50, gồm 2 dầm biên, các dầm ngang, bản mặt cầu thi công theo phương pháp đúc hẫng.Dầm biên cao 1760mm rộng 1200-1400mm, bản mặt cầu dày 250mm. Dầm biên được treo bằng 4 x 32 bó cáp, mỗi bó gồm từ 22 đến 69 tao 15,2mm, mỗi tao gồm 7 sợi đặt trong ống HPDE có màu để trang trí. Mỗi bó cáp một đầu neo vào dầm, đầu neo vào tháp, có dự trữ hệ thống chống rung cho cáp.
Tháp cầu: hình chữ H bằng bê tông cốt thép Grade 50 cao 123,5 m (tính từ đỉnh bệ cọc); 84,43m (tính từ mặt cầu). Kết cấu móng trụ tháp gồm 16 cọc khoan nhồi có đường kính 2,5m hạ đến cao độ -90m ( tháp bờ Bắc) và -100m (tháp bờ Nam), cao độ đáy bệ phần đặc là + 1m, ống vách đặt tới cao độ -35m (tháp bờ Bắc) và -40m (tháp bờ Nam).
Hệ cáp dây văng: Sơ đồ bố trí dây văng cầu Mỹ Thuận theo hình rẻ quạt (semi-hanp) với hai mặt phẳng dây cách nhau 18.6m. Các cặp dây văng (thượng, hạ lưu) được bố trí đối xứng qua mặt phẳng thẳng đứng đi qua ti dọc của cầu. Góc nghiêng của dây văng so với phương nằm ngang nhỏ nhất (dây văng ngoài cùng) là 31.031o, và lớn nhất (dây văng gần tháp cầu nhất của nhịp biên) là 77.39o. Dây văng ngoài cùng của hai nhịp biên được liên kết với hệ dầm cầu tại điểm cách tim trụ neo 5,0m về phía cầu dẫn.
Toàn cầu có 128 dây văng chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm có 16 dây. Dây văng ngoài cùng nhịp biên có số tao lớn nhất (68 tao), dây văng thuộc nhíp chính gằn tháp cầu nhất có số tao nhỏ nhất (22 tao). Các tao cáp kiểu Freyssinet 7 sợi, đường kính danh định 15,2mm.
* Sự cần thiết phải có thêm Cầu sông Tiền mới :
Phát triển cao tốc – Kết nối Đông Tây
Nhằm khắc phục sự trì trệ trong phát triển kinh tế xã hội các tỉnh châu thổ sông Mekong, đồng thời, với việc nâng cao khả năng vận tải đường bộ giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung, dự án đường cao tốc Sài gòn – Cần thơ đã hoàn thành giai đoạn đầu: tuyến Sài gòn – Trung Lương.
Để tuyến đường cao tốc này thông suốt đến Cần Thơ thì tất nhiên là phải dùng cầu đường bộ vượt sông Tiền và sông Hậu. Vấn đề đặt ra là tuyến cao tốc này có nên sử dụng chung hai cầu vượt sông Mekong hiện hữu trên Quốc lộ 1A là cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ hay không?
Đứng ở góc độ kết nối giao thông thì câu trả lời là được.
Tuy nhiên, với chiều rộng 21,5m gồm 4 làn xe cơ giới 2 x 8m, hai làn xe thô sơ 2 x 2m ở cầu Mỹ Thuận hiện nay thì vấn đáp ứng việc lưu thông thông suốt của các phương tiện vận tải từ Đường cao tốc và QL 1A qua cầu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, yêu cầu có thêm một cây cầu mới để chia tải với cầu Mỹ Thuận, cũng như có tác dụng dự phòng là một vấn đề cần phải tính đến khi phát triển đường cao tốc ở khu vực này, cả đường bộ cao tốc lẫn đường sắt cao tốc.
Cho nên, Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản đã tài trợ một dự án nghiên cứu cây cầu mới song hành với cầu Mỹ Thuận. Theo đó, dự án xây dựng cây cầu đang được nghiên cứu sẽ kết nối với tuyến đường cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ. Và ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề nghị cần tính đến xây dựng cầu hai tầng, gồm một tầng đường bộ và một tầng dành cho đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ được xây dựng sau này.
Ngày 17-10 – 2010, theo ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, liên doanh tư vấn Nippon Koei và IHI (Nhật) đệ trình báo cáo đầu kỳ dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận mới nối qua sông Tiền ở địa phận tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Cầu qua sông Tiền mới, song hành cầu Mỹ Thuận, rất cần thiết!
Nhưng, tại sao chúng ta chuẩn bị xây cất một cây cầu mới vượt sông Tiền lại gần cầu Mỹ Thuận đến như vậy?
Đó cũng chính là điều băng khuân của Bộ GTVT khi đề nghị xem xét phương án xây dựng cầu vượt sông Tiền mới. Theo Bộ GTVT,tính luôn cầu dành cho đường sắt cao tốc thì trong khoảng 700 m có tới 3 cầu lớn bắc qua sông Tiền nên cần phải phân tích hiệu quả kinh tế, tài chính, cũng như tính toán tới các yếu tố xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Tiền Giang mà đặc biệt là chia cắt quy hoạch của thành phố Vĩnh Long.
Như các bạn đã biết, kinh phí của những cây cầu vượt sông Tiền hay sông Hậu có giá trị rất lớn. Và trên hết, những cây cầu này chính là cánh của mở ra cho sự phát triển đồng đều của toàn vùng Châu thổ sông Mekong.
Vậy nên, bằng việc lựa chọn vị trí xây cầu, chúng ta sẽ giúp tạo một động lực phát triển lớn cho những vùng đất ít phát triển khác nằm phía nam sông Tiền, và xa hơn đó là cánh đồng bao la phía nam sông Hậu.
Điều đó có nghĩa:
Cuộc sống tốt hơn sẽ đến cùng với sự phát triển।
Bạn có đồng ý không?
Tài liệu đã dẫn:
(1) Nguyen, Dieu T. 1999. The Mekong River and the Struggle for Indochina: Water, War, and Peace. Praeeger: Westport, Connecticut.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét