Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Sa Đéc – cầu nối Đông và Tây Nam bộ

Đây là vùng đất có người Việt cư ngụ khá sớm ở đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù mãi đến năm 1757 vùng đất này mới thuộc chủ quyền người Việt. Sau cuộc hôn nhân ngoại giao giữa công nương Ngọc Vạn (con chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên) với quốc vương Chân Lạp (Chey Chettha II), 1620, vùng đất này được người Việt biết đến qua các đợt chi viện quân sự kỹ thuật, kinh tế...của chúa Nguyễn Phước Nguyên cho chàng rể bằng đường thủy từ Nước Mặn (Quy Nhơn) vào sông Tiền đến kinh đô Uđông. Trên đường thủy vận, Sa Đéc là nơi dừng chân nhiều lần của phái bộ, đã được Christopho Borri tường thuật trong Relation des la nouvelle misson des pères de la Compagnie de Yésus au Royaume de Cochinchine, năm 1631.

Vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, từ Vĩnh Long ngược lên đến Châu Đốc được thổ dân Khmer gọi là Tầm Phong Long (đọc trại đi từ Kompong Luông). Slà kompong có nghĩa là vũng, bến chỗ tấm ven sông, Luông là vua.

Năm 1757, Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh thay mặt chúa Nguyễn, tiếp thu vùng đất Tầm Phong Long và chia thành ba đạo:

- Đạo Châu Đốc ở Hậu Giang,

- Đạo Tân Châu ở Tiền Giang,

- Đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc.

Đông Khẩu đạo là tên hành chính trên giấy tờ, trong dân gian vẫn quen dùng tên cũ, Sa Đéc. Tên Sa Đéc có từ lâu trước năm 1757. Và tên gọi này, có nhiều giả thuyết khác nhau:

- Trong sách Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt (bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo), phần Tự quán (tr. 38-39), có chép:

"Chùa Tô Sơn ở địa phận thôn Hưng Nhượng, huyện Hà Dương (tỉnh An Giang), phía tây núi có viên đá hình con rùa। Người xưa truyền rằng: gặp khi trời hạn thì đến đấy cầu đảo ắt có được mưa, thổ nhơn bèn lập đền ở chân núi đế thờ, gọi là Sa Đéc (tức là Thủy thần)"। Phải chăng hai âm /Sa Đéc/ xuất phát từ âm của chữ Khmer hạ, có nghĩa là thủy dân hoặc là tên của vị thủy thần đó।

Trong khi đó trong dân gian còn lưu truyền cân chuyện sau: Ngày xưa ở đất Tầm Phong Long có một tên chúa đất họ Thạch, vừa giàu có,vừa hung ác. Đất đai cò bay thẳng cánh, con thỏ, con nai ở trong rừng; con cá, con tôm ở dưới sông, con chim ở trên trời... tất cả đều là của họ Thạch. Chúa đất họ thạch giàu có như vậy mà chỉ có mỗi một mụn con gái. Tên nàng là Sa-đéc, xinh đẹp, tính tình nhân hậu. Một hôm, nàng dùng ghe lườn cùng nàng hầu rong chơi trên sông tiền, chẳng may gặp mưa to gió lớn, ghe bị chìm. Trong lúc chủ tớ đang loai ngoai chờ chết bỗng đâu có một thanh niên lao xuống cứu được cả hai.

Sa Đéc không cho chàng trai biết mình là con gái của chúa đất. Từ đó hai người thường lén lút gặp nhau. Bọn thuộc hạ cho tên chúa đất biết chuyện này. Lập tức hắn nhốt nàng lại và lệnh cho tìm bắt chàng trai nọ cho kỳ được. Bọn thủ hạ truy lùng chàng trai, chàng nhanh chân thoát được, nhưng trúng phải tên độc. Tưởng chàng đã chết, chúng bỏ đi. Nhưng may mắn, chàng được một người đi rừng tình cờ cứu sống. Chàng giữ lại mũi tên có khắc chữ Thạch để mưu tính chuyện trả thù. Ngày nọ, chàng đột nhập vào dinh cơ tên chúa đất, đốt phá cho đã nư, rồi bắt hắn mang đi Bỗng Sa-đéc thấy được, tri hô lên. Đám thuộc hạ ùa tới giải vây cho chủ. Chàng trai quá đỗi sững sờ, ngạc nhiên khi thấy nàng ở đây. Lợi dụng giây phút đó, đám thuộc hạ bắt được chàng và tra tấn rất dã man. Nghĩ rằng tại mình nên người yêu cũng là ân nhân mới gặp nạn, nàng đau đớn ngất lịm đi.

Khi được tin chàng trai bị cột chặt vào bè, rồi phóng hỏa đốt thả trôi sông, nàng Sa-đéc vùng dậy chạy theo nhảy xuống bè để cùng chết chung với chàng, nhưng bị thuộc hạ phóng theo bắt lại.

Sa-đéc bỏ nhà đi tu. Vài năm sau, tên chúa đất họ Thạch qua đời. Nàng trở thành người thừa kế một sản nghiệp đồ sộ của dòng họ Thạch một phần tài sản được nàng chia cho dân nghèo, phần còn lại dùng vào việc đắp đường, bồi lộ, dựng cầu và xây một nhà lồng chợ để cho người mua, kẻ bán có chỗ che nắng trú mưa.

Ngôi chợ đó được gọi là chợ Sa-đéc đến ngày nay. Còn nàng thì được nhân dân kính cẩn tôn lên hàng nữ thần. Tương truyền nàng rất linh thiêng, nhân dân cầu xin điều gì cũng đều được linh ứng. Đền thờ thủy thần Sa Đéc trên núi Cô Tô với chuyện này không biết có liên hệ gì với nhau không? song cả hai đều liên quan đến tên gọi Sa Đéc.

- Trong Gia Định thành công chí (tập hạ) của Trịnh Hoài Đức (bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo), mô tả chợ Sa Đéc như sau: "Chợ ở đông huyện Vĩnh An. Phố chợ dọc theo bờ sông, nhà cửa nối nóc nhau san sát như vảy cá kéo dài đến 5 dặm, dưới sông có những nhà bè, gác làm phòng ốc, đậu sát nhau thành hàng, hoặc bán hàng lụa, khí dụng ở Nam Bắc chở đến, hoặc bán dầu rái, than, mây tre... Trên bờ và dưới sông hàng hóa tốt đẹp, trông khá vui vẻ, thật là nơi thắng địa phồn hoa vậy". Như vậy rõ ràng Sa Đéc quả thật là một chợ nổi, nổi tiếng trên sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phải chăng chính vì vậy mà người Khmer gọi là Phsa ădek (có nghĩa là chợ nổi) và người Việt phát âm thành Sa Đéc?

- Do sự trùng âm /Sa Đéc/ với Phsa dek, có nghĩa là chợ sắt nên cũng có giải thích cho rằng Sa Đéc là chợ bán đồ sắt hay chợ được xây dựng bằng sắt. Giả thuyết này ít thuyết phục vì đến nay chưa phát hiện thông tin nào để minh chứng rằng chợ này chuyên bán đồ sắt. Còn giả thuyết nhà lồng chợ được xây bằng sắt, nên mang tên chợ sắt, cũng không ổn, vì nhà lồng chợ Sa Đéc được xây dựng bằng sắt theo kiến trúc Effel mới được nhà cầm quyền thực dân xây dựng vào đầu thế kỷ xx và hầu hết các chợ lớn ở Nam kỳ đều xây dựng theo kiến trúc này chứ không riêng vì chợ Sa Đéc.

Trong hai thế kỷ khai hoang mở cõi Nam bộ, Sa Đéc đóng một vai trò hết sức quan trọng nhờ vào vị trí của mình: nằm trên ngã tư đường giao lưu từ Chân Lạp ra biển Đông, từ miền Đông xuống miền Tây Nam bộ. Sự phồn thịnh của Sa Đéc vào thế kỷ XVIII được Trịnh Hoài Đức mô tả ở trên không phải ngẫu nhiên mà có. Trong thời điểm này, Hà Tiên, Nông Nại đại phố quá xa đối với đồng bằng sông Cửu Long, hơn nữa sự phồn thịnh của cù lao Phố từng bước nhường cho Sài Gòn. Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè nằm bên kia sông Tiền cũng đang trên đà phát triển; còn riêng Sa Đéc vừa ăn thông sang miệt Hậu Giang vừa là cửa ngõ của Đồng Tháp Mười với nguồn lâm thủy sản dường như vô tận vừa lại là đầu cầu sang Chân Lạp. Có thể khẳng định, hồi này Sa Đéc chỉ đứng sau Sài Gòn và là trung tâm kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sự ra đời và phát triển của chợ Sa Đéc là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình kinh tế xã hội khu vực nó đánh dấu sự thành công cửa công cuộc khai hoang lập ấp, mở ruộng, lập vườn với lúa gạo, cây trái dồi dào, cá tôm phong phú, đồng thời là điều kiện thúc đẩy sự hình thành và phát triển một loại hình kinh tế mới, nói theo kiểu bây giờ là "kinh tế thị trường", dù chỉ là hàng hóa tiêu dùng, không tái sản xuất. Sa Đéc vừa là trung tâm sản xuất, vừa là trung tâm thu gom, tập kết lúa gạo, lâm thủy sản, hàng hóa địa phương, dùng phương tiện đường thủy chuyên chở đến bán tận Sài Gòn, Nam Vang và nhiều nơi khác, rồi thu mua hàng hóa các nơi này về bán lại cho địa phương. Sa Đéc quả là một chợ đầu mối ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm cho đào kinh Ruột Ngựa (Mã Trường giang) từ vàm Rạch Cát ăn thông với rạch Lò Gốm, góp phần nâng cao trọng tải và rút ngắn thời gian giao lưu từ đồng bằng sông Cửu Long về Sài Gòn.

Năm 1775, chúa Nguyễn Phước Thuần chạy vào nam mở màn cho cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh trên đất Gia Định suốt mười mấy năm là một biến cố lớn, có tác động không nhỏ đối với tiến trình kinh tế xã hội của vùng đất mới này. Sa Đéc nằm trên hành lang từ Sài Gòn đến đồng Tháp Mười - Tam Phụ (Ba Giồng) qua Trấn Giang rồi Kiên Giang ra vịnh Thái Lan. Đó là con tường tiến thoái của Nguyễn Ánh trong suốt thời gian giành quyền làm chủ đất Gia Định với Tây Sơn mà vùng bờ bắc sông Tiền đóng vai trò như một đầu cầu nối liền Sa Đéc với Ba Giồng, một bàn đạp áp sát Sài Gòn.

Trong thời gian này, ngoại trừ những năm tháng tái chiếm đóng Sài Gòn và lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh thường dùng Sa Đéc vừa như một địa bàn dừng chân trước khi trốn ra hải đảo, vừa như một bàn đạp để hưng binh tái chiếm Sài Gòn. Mãi đến tháng 7-1787, lúc lưu vong ở Xiêm La, được tin anh em Tây Sơn mâu thuẫn gay gắt đem binh đánh giết lẫn nhau, Đô đốc Đặng Văn Trấn kéo binh về Qui Nhơn cứu Nguyễn Nhạc, Gia Định do Nguyên Lữ - một thầy tu năng lực kém cỏi so với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ trấn giữ- Nguyễn Ánh liền rời Bangkok về Hòn Tre, cho người về đất liền thám thính, móc nối với cơ sở cũ, có nhiều người hưng binh hưởng ứng. Tháng 8, Nguyễn Ánh về đóng ở Long Xuyên (Cà Mau), cho người về Sa Đéc xây dựng căn cứ. Tháng 10, Nguyễn Ánh về Sa Đéc, đại bản doanh đóng ở thôn Tân Long (sau đổi thành Long Hưng) cạnh rạch Hồi Oa (Nước Xoáy). Để bảo vệ bản doanh, Nguyễn Ánh cho dân quân xây dựng hai bảo (thành) bằng đất án ngữ phía sông Tiền nằm tại thôn Long Thắng gọi là Bảo Tiền, án ngữ mặt sông Hậu tọa lạc ở thôn Phong Hòa tục danh là Bảo Hậu. Nguyễn Ánh còn huy động dân binh lấy đá từ núi Sâm (Châu Đốc) để cẩn mặt ngoài các bảo và đắp đập (hàn) rạch Cái Bàng (thôn Hòa Long) và sông Long Hậu để ngăn chặn chiến thuyền của Tây Sơn. Giao cho Hoàng Văn Khánh, Tống Văn Ngoạn giữ Bảo Tiền và Nguyễn Văn Trương, Tô Văn Đoài giữ Bảo Hậu. Quân Tây Sơn tiến đánh suốt mấy ngày liền, cuối cùng Nguyễn Ánh cho chế súng gỗ dùng hột cau khô kết làm đạn mới đẩy lui được quân Tây Sơn.

Từ đại bản doanh ở Sa Đéc, Nguyễn Ánh cho Tôn Thất Huy, Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội, Nguyễn Kế Thuận mang quân về trấn giữ đất Ba Giồng làm thế ỷ giốc, xong chia quân đánh phá các nơi. Tháng 7-1788, Nguyễn Ánh dời bộ tham mưu về Ba Giồng. Đến tháng 8, Nguyễn Ánh chiếm lại được Sài Gòn, cơ bản làm chủ toàn bộ đất Gia Định.

Trong cuộc chiến này, Sa Đéc cung cấp cho Nguyễn Ánh nhiều tướng tài hết dạ trung kiên ngay trong thời kỳ khó khăn nhất như Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Nhàn, Hoàng Bưu Phước, Nguyễn Văn Bế, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Định... Trong bốn Tổng trấn Gia Định thành vào đầu triều Nguyễn, thì Sa Đéc cung cấp hai vị: Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Văn Tuyên.

Ở Sa Đéc không có trận đánh nào lớn, ít chịu sự tàn phá của chiến tranh, đó cũng là một điều kiện thu hút một số thương buôn người Hoa kinh hoàng, khiếp sợ Tây Sơn trước những cuộc tiến quân của họ ở cù lao Phố năm 1776 và Sài Gòn 1782. Trong chiến tranh, họ là người cung cấp cho Nguyễn Ánh những hàng hóa cần thiết, góp phần phát triển Sa Đéc, trong khi cù lao Phố, Hà Tiên suy thoái. Từ năm 1789, chiến tranh lùi dần ra miền ngoài, tạo điều kiện khách quan cho kinh tế Gia Định phục hồi và phát triển. Trong và sau chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh, Sa Đéc đón nhận thêm nhiều đợt lưu dân mới cùng với binh sĩ Tây Sơn tan rã tại chỗ. Nên không lạ gì khi thấy tốc độ và diện tích khẩn hoang ở đây nhanh hơn và nhiều hơn các nơi khác. Điều kiện khách quan thuận lợi đất lành chim đậu, đất tốt dân đông biết thâm canh làm thủy lợi với Mương Đào (tức Cái Bè cạn), rạch Cai Bường, nước chảy thông thương từ sông Tiền đến sông Hậu. Lấp Vò, Cái Dầu (Định Yên), Long Hậu lần hồi phát triển thành một trung tâm dân cư quan trọng của Sa Đéc sát sông Hậu. Ở mặt sông Tiền từ Cái Tàu Thượng trở xuống là khu dân cư trù mật, người Hoa cùng người Việt làm ruộng rẫy, trao đổi mua bán ... hình thành các tụ điểm Hội An, Tòng Sơn, Đất Sét Cái Tàu Hạ góp phần làm nên sự phồn thịnh của Sa Đéc. Dưới thời nhà Nguyễn, vùng này thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân thành, tỉnh An Giang. Phủ lỵ và huyện thị đều đóng tại thôn Vĩnh Phước (chợ Sa Đéc). Tại đây bên cạnh đình chùa của người Việt có nhiều cơ sở tín ngưỡng của người Hoa. Chùa Ông là các miếu thờ Ông Bổn, tức Bổn đầu công Trịnh Hòa, người mở đường cho người và văn hóa Hoa sang các nước Đông Nam Á bằng đường biển. Còn chùa Bà là các miếu thờ bà Thiên hậu thánh mẫu (Ngươn quân), vị nữ thần cứu hộ người đi biển. Cơ sở có kiến trúc đặc biệt là chùa ông Quách, gọi như thế vì cơ sở này thờ Quách Thánh vương (Quảng Trạch tôn vương). Người Hoa ở Sa Đéc có quan hệ mật thiết với người Hoa ở Chợ Lớn, Singapore, Kuala Lum-pur, Bangkok...

Dưới thời Pháp thuộc, phủ Tân Thành trở thành hạt rồi tỉnh Sa Đéc gồm 3 quận (Châu Thành, Cao Lãnh và Lai Vung), với 5 tổng và 70 làng. Sa Đéc được mệnh danh là "Jardin de Cochinchine” với ruộng vườn cây trái sum suê của vùng sông sâu nước chảy. Nguyễn Liên Phong, một nhà thơ đương thời, có bài Sa Đéc cảnh thi như sau:

Có danh thời cựu phủ Tân Thành,

Sa Đéc vui nay cảnh thích tình.

Đèn Vĩnh Phước ngời hình nguyệt chói,

Cồn Tân quy nổi dạng cù doanh.

Nhà dân phố chợ nhiều nơi lịch,

Chùa Phật, đình Thần lắm chỗ xinh.

Vườn ruộng ấm no phong tục tốt

Nhờ Cao hoàng đế thuở trấn binh.

Chẳng những thế, Sa Đéc còn nổi tiếng với nghề sản xuất gạch ngói, làm nữ trang... đã từng đại diện Việt Nam nhiều lần tham dự các cuộc đấu xảo ở Marseilles. Sa Đéc còn là một trong những cái nôi của cải lương Nam bộ với André Thận.

Khi thực dân Pháp tiến hành khai thác vùng Hậu Giang, Cần Thơ lần hồi thay thế vai trò trung tâm đồng bằng sông Cửa Long của Sa Đéc. Tuy vậy Sa Đéc vẫn giữ vai trò là chợ đầu mối trong khu vực với nhiều chành, nhiều vựa duy trì mối quan hệ mật thiết với Mỹ Tho, Sài Gòn, Nam Vang...

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Sa Đéc chẳng những là nơi dừng chân của một số nhà yêu nước trên đường hoạt động như: Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Nguyễn Sinh Huy, Phan Bội Châu, Đặng Thúc Liêng, Hà Huy Giáp, Châu Văn Liêm... mà còn cung cấp các phong trào yêu nước nhiều nhân vật nổi tiếng như Lưu Văn Lang, anh hùng Phan Văn Út (dùng lựu đạn ám sát Thiếu tướng Chanson, ủy viên Cộng hòa Pháp, tư lệnh quân đội Pháp ở Nam phần và Thủ hiến Nam phần Việt Nam Thái Lập Thành), cô giáo Ngài, Trần Thị Nhượng (người Phụ nữ duy nhất trong nước, cầm đầu đoàn biểu tình vào dinh tỉnh trưởng Sa Đéc giành chánh quyến trong Cách mạng tháng Tám năm 1945)...

Ngày nay, mặc dù nằm lọt thỏm giữa một số đô thị, vốn là thị xã, nay đã lên cấp thành phố, như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên và Cao Lãnh, song, thị xã Sa Đéc với thế đất và lòng người như đã khái quát ở trên, rồi đây sẽ vươn lên xứng đáng với tầm vóc vốn có của mình ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tạp chí Xưa và Nay số 354 tháng 4 năm 2010 (tr.12 và tr.29-31)

Theo ( www.thuviendongnai.gov.vn )

Không có nhận xét nào: