Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Điểm yếu chí tử của Đồng bằng sông Cửu Long

     Dòng thời sự nông nghiệp chủ lưu hiện nay là sự yếu kém của hạ tầng giao thông đang cản trở năng lượng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giao thông chính là điểm yếu chí tử khiến miền Tây mắc kẹt trong cái nghèo.


Có một thực tế được cuộc sống đúc kết thành qui luật, hễ nơi nào đường xá  thông suốt thì cuộc sống nơi đó có cơ hội thịnh vượng. Ngược lại, nơi giao thông ách tắc thì cầm chắc nghèo túng, lạc hậu. Khỏi phải nói thêm, điều này chắc chắn đúng với ĐBSCL.

        Đường bộ chưa thông

        Trong một bài giảng với chủ đề Làm thế nào để ĐBSCL bớt tụt hậu? TS. Vũ Thành Tự Anh kể rằng, khi ông hỏi GS. Võ Tòng Xuân, vào những năm 1960-1970, thời gian GS đi từ Sài Gòn đến Cần Thơ giảng bài hết bao lâu. GS. Võ Tòng Xuân cho biết, mất khoảng 4 tiếng rưỡi.
         Đối chiếu thực tế những năm gần đây, gần nửa thế kỷ đã qua, ông Tự Anh ái ngại, "tốc độ giao thông giữa ĐBSCL tới các trung tâm kinh tế - thương mại lớn nhất của cả nước chưa được cải thiện bao nhiêu".
         Thật ra, chuyện giao thông ở ĐBSCL lạc hậu như thế nào không quá khó để nhận thấy. Hơn thế, điều này cũng được thông báo công khai trong nhiều cuộc hội thảo tại địa phương. Cụ thể, ĐBSCL chỉ có 5% đường nông thôn có giá trị vận tải, số còn lại chỉ có giá trị giao thông cho dân đi bộ, đi xe đạp và xe gắn máy. 95% đường còn lại cần được mở rộng và nâng cấp.
         Quanh 13 tỉnh miền Tây chằng chịt sông rạch, cù lao vẫn còn hàng trăm cây cầu xây từ đầu thế kỷ 20 đến nay vẫn chưa được thay thế.  Để có thể lưu thông, người dân vẫn phải tận dụng những cầu ọp ẹp. Trên nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch vẫn còn không ít những cây cầu đang khai thác có tải trọng chỉ khoảng 4 đến 10 tấn, và đang hư hỏng nặng, đi xe thô sơ còn khó nói chi đến xe tải vận chuyển hàng hoá.
         Quan sát của GS. Võ Tòng Xuân, một người gần gũi với vùng này cũng cho biết, miền Tây ít nơi có đường rộng 5m, chủ yếu là đường đất, vài nơi cố lắm cũng chỉ trải đá mi. Hệ thống quốc lộ xây mới chưa nhiều, chiều rộng cũng khiêm tốn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng. Ví dụ, quốc lộ 50 đi qua tỉnh Tiền Giang do Bộ GTVT đầu tư cũng chỉ được thiết kế rộng 7,5m, thay vì 12m.
Ảnh minh họa: báo Đại Đoàn Kết
            Ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cũng nghĩ như vậy. "Đường đi lại ở ĐBSCL giờ chỉ có giá trị nông thôn chứ không có giá trị vận tải. Hạ tầng giao thông của ĐBSCL yếu kém nhất nước, chỉ xếp trên vùng Tây Bắc", ông Sơn- người thường xuyên qua lại vùng ĐBSCL trước và sau thời điểm 1975 nhận xét.
             Và hệ luỵ là việc đi lại học hành, việc cấp cứu trị bệnh, việc tiếp cận với các cơ sở văn hoá... và mưu sinh cũng đều gặp khó khăn. Chi phí vận tải hàng hoá tăng dẫn đến nông sản bị ép giá, nông sản hư hao do phải chờ... Từ những thông tin được công bố rộng rãi, ông Sơn nhẩm tính, nếu gộp toàn bộ chi phí cơ hội, nông dân ĐBSCL có thể phải chi đến 15% thu nhập cho đi lại và cho chuyên chở hàng hoá. Điều đó khiến cho họ chưa "mở mày mở mặt".

Đường sông vẫn tắc

             Là vùng trọng điểm sản xuất nông sản hàng hoá xuất khẩu, ước tính, hàng năm ĐBSCL có nhu cầu xuất - nhập khẩu từ 12 tới 13 triệu tấn hàng hoá. Nhưng thật éo le, trong khi đường bộ chưa thông thì đường sông của vùng này cũng đang xập xệ.
             Hệ thống giao thông thủy của miền Tây với hai tuyến chính là TPHCM - Kiên Lương và TPHCM - Cà Mau... nhưng do địa hình nên buộc phải hợp lưu tại kênh Chợ Gạo (nối sông Tiền ở Tiền Giang với sông Vàm Cỏ Tây ở Long An.
              Trong khi 13 tỉnh miền Tây đang chen chúc dùng chung tuyến đường sông duy nhất đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại thì cửa luồng Định An cũng không khá hơn. Do mấy chục năm qua chỉ tập trung khai thác mà không bảo dưỡng nên trước sự bồi lắng phù sa, cửa Định An đang bị cạn khiến các tàu hàng hải lớn không vào được thành ra 70% khối lượng hàng hoá vẫn phải nhập nhờ qua TP. Hồ Chí Minh.
             Lưu thông vòng vèo khiến lợi nhuận từ việc bán nông sản hàng hoá thấp đi do bị ép giá trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào thì không ngừng đội lên. Thua thiệt đủ đường khiến nhà nông lãnh đủ, dồi dào năng lượng mà vẫn trong nhóm nghèo nhất nước.

Tắc đường do tắc tư duy?

             Trước những phàn nàn về sự trắc trở của hệ thống giao thông ĐBSCL, giới phân tích chính sách cho rằng không phải do thiếu tiền mà là do ách tắc trên hệ thống tư duy.
             Lấy giá trị sử dụng làm căn cứ, ông Nguyễn Văn Sơn dẫn chứng, liệu có công bằng không khi sông Hồng qua địa phận Hà Nội, sông Hàn ở Đà Nẵng có bao nhiêu cây cầu, trong khi 7 tỉnh nam sông Hậu chỉ có duy nhất cây cầu Mỹ Thuận (khánh thành năm 2000), và gần chục tỉnh khác chung cây cầu Cần Thơ (khánh thành năm 2010). Cứ thử đo giá trị sử dụng của những cây cầu đó sẽ thấy ngay nghịch lý không công bằng. Rõ ràng so với năng lực phát triển, ĐBSCL cần nhiều hơn 2 cây cầu đó.
           Ông Sơn ước, nếu nhà nước dành cho chừng 10% kinh phí dự kiến làm đường sắt cao tốc Bắc Nam như đã thảo luận trong QH thì chắc chắn toàn ĐBSCL sẽ thay đổi nhanh bộ mặt kinh tế xã hội trong vòng mười năm. Đầu tư cho giao thông cấp huyện là mở lối ra cho nông dân và hàng hoá tiếp cận với thị trường, mở cánh cửa giáo dục và đào tạo cho thanh thiếu niên; Đầu tư cho giao thông cấp tỉnh là mở mối giao lưu kinh tế xã hội của các huyện về trung tâm tỉnh; Đầu tư cho giao thông cấp tỉnh là mở mối giao lưu kinh tế xã hội của tỉnh với các tỉnh lân cận và cả nước, lẫn quốc tế; Và, đầu tư cho giao thông nông thôn là giải quyết đồng bộ nền tảng cho phát triển đồng bộ sản xuất kinh doanh và đời sống của nông dân.
            Trước sự hối thúc của phát triển, mới đây thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố, "chính phủ tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt cho ĐBSCL, trong đó sẽ có những chính sách thuận lợi, ưu đãi đặc biệt để khu vực này chuyển mình nhanh chóng. Chính phủ đã quyết định đầu tư nhiều dự án lớn nhằm nhanh chóng tăng cường cơ sở hạ tầng tạo điều kiện kết nối cho cả vùng. Xác định đưa ĐBSCL là trung tâm năng lượng lớn của cả nước trong tương lai". Dù sao muộn cũng còn hơn không. Đây là quả là thông tin đáng mừng.
            Xem ra tư duy đã thông, vấn đề chỉ còn chờ xem chỉ đạo của thủ tướng sẽ được các cấp triển khai như thế nào.
Theo

      Tác giả: THU HÀ