Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp.
Vào năm 1757, Chúa Nguyễn thành lập ba đạo ở miền Tây Nam Bộ trong đó có Đông Khẩu Đạo là thị xã Sa Đéc và một số huyện lân cận. Sa Đéc là một trong những vùng được khai phá sau cùng ở Tây Nam Bộ. Suốt một thời gian dài , Sa Đéc là khu chợ sung túc nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ đứng sau Sài Gòn, mãi cho đến khi Cần Thơ được hình thành.
Thời Pháp thuộc
Sau khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (1867), thì năm sau (1868) địa bàn tỉnh An Giang thời "Nam Kỳ lục tỉnh" trước đây được chia thành 3 hạt: hạt Châu Đốc (phủ Tuy Biên cũ), hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành), và hạt Ba Xuyên. Theo Nghị định của Thống Đốc Nam Kỳ Bonard ngày 1 tháng 1 năm 1868, hạt Sa Đéc gồm 3 huyện (An Xuyên, Vĩnh An và Phong Phú) và trị sở (gọi là Tòa bố) đặt tại Sa Đéc.
Năm 1876 Sa Đéc trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực hành chính (circonscription) Vĩnh Long do thực dân Pháp đặt ra.
Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Sa Đéc trở thành tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc nằm ở hai bên sông Tiền Giang, giáp các tỉnh Long Xuyên, Tân An, Vĩnh Long, Cần Thơ và Mỹ Tho. Tỉnh lỵ là thị xã Sa Đéc. Dân số tỉnh Sa Đéc theo số liệu thống kê năm 1901 là 182.924 người và năm 1920 là 203.588 người.
Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, Sa Đéc được nhập vào tỉnh Vĩnh Long, sau đó lại tái lập tỉnh.
Thời kỳ 1945-1975
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Sa Đéc là một trong số 21 tỉnh của Nam Bộ.
Ngày 14/5/1949, huyện Lấp Vò được nhập vào tỉnh Sa Đéc.
Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bỏ tỉnh Sa Đéc, phần bắc tỉnh này ở bờ trái (bờ bắc) sông Tiền nhập vào tỉnh Kiến Phong, phần nam tỉnh này ở bờ phải (bờ nam) sông Tiền (giữa sông Tiền và sông Hậu, gồm các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, thị xã Sa Đéc) nhập vào tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 24/9/1966, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khôi phục lại tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc mới tách ra từ tỉnh Vĩnh Long, chỉ gồm phần đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, với diện tích khoảng 900 km². Sa Đéc phía bắc giáp tỉnh Kiến Phong, phía đông giáp tỉnh Định Tường, phía đông và đông nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía tây nam giáp tỉnh Phong Dinh và phía tây giáp tỉnh An Giang. Tỉnh có 4 quận:
Lấp Vò, gồm 2 tổng Phú Thượng và Phong Thới với 8 xã.
Sa Đéc, gồm 3 tổng An Thạnh, An Thới và An Trung với 13 xã. Đến ngày 14/2/1968 đổi tên thành quận Đức Thịnh.
Đức Thành, gồm 3 tổng An Khương, Ti Thiện và Tiến Nghĩa với 8 xã.
Đức Tôn, gồm 2 tổng An Mỹ Đông và An Mỹ Tây với 7 xã.
Trong thời kì trước năm1975, Sa Đéc từng là một khu vực quân sự, chính trị quan trọng với một căn cứ quân sự tọa lạc tại nơi mà ngày nay là trường Cao Đẳng Nghề Đồng Tháp. Nhưng những hoạt động cách mạng không vì thế mà suy giảm, vẫn có những cơ sở đảng được thành lập và được người dân che chở.
Từ tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập với tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp. Sa Đéc vẫn là là tỉnh lị tỉnh Đồng Tháp cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1994.
Như vậy Sa Đéc là một trong những đô thị lâu đời nhất ở Tây Nam Bộ với khoảng hơn 250 năm thành lập. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt". Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này.
Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp cách Thành phố Hồ Chí Minh 143 km về phía tây nam. Phía bắc giáp sông Tiền, phía tây bắc giáp huyện Lấp Vò, tây nam giáp huyện Lai Vung, phía đông giáp huyện Cao Lãnh, phía nam giáp huyện Châu Thành.Diện tích là 5.785,89 ha, với dân số khoảng 103000 người. Thị xã có quốc lộ 80 chạy qua ở giữa và sông Sa Đéc ở phía đông, ngoài ra còn có tỉnh lộ 848 chạy qua rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đây còn là nơi khởi nguồn của rạch Cần Thơ, nên cũng khá dễ dàng giao thông buôn bán với khu vực phía nam sông Hậu.
Sa Đéc gồm 6 phường: phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường An Hoà, phường Tân Quy Đông và 3 xã: Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông, Tân Phú Đông.
Hiện nay, Sa Đéc đã trở thành khu đô thị loại 3, trung tâm kinh tế, tài chính và là đô thị công nghiệp phát triển của tỉnh.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí nói Sa Đéc (Đồng Tháp) là vùng "lưu thông quán khái" (sông sâu nước chảy), đất đai phì nhiêu, giao thông thủy tiện lợi, nối liền hai miền Tiền và Hậu Giang".
Mặt khác, trong Đại Nam nhất thống chí có ghi: Chợ Vĩnh Phúc tục gọi chợ Sa Đéc ỏ phía đông lỵ sở huyện Vĩnh An, chợ và phố ở ven sông liên tiếp với nhau dài đến năm dặm, dưới sông là trúc gác lên( hiểu là làm nhà bè trên tre) cửa nhà la liệt thành hàng hoặc mua bán tơ lụa và đồ dùng, hoặc mua bán dầu trám, dầu rái, nguyên liệu chính làm nghề xăm trét ghe thuyền, than gỗ chủ yếu làm nghề gốm thô, gạch ngói, mây tre, muối mắm, trên bờ và giữa sông hàng hóa san sát thật là nơi phồn hoa .
Lần hồi, với vị trí địa lý đặc biệt của mình, "Sa Đéc vừa là trung tâm sản xuất vừa là trung tâm thu gom, tập kết lúa gạo, lâm thủy sản và hàng hóa khác của địa phương, rồi dùng phương tiện vận tải thủy, chuyên chở lên bán tận Sài Gòn, Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia) và nhiều nơi khác, rồi thu mua hàng hóa ở các nơi này, chở về bán lại cho địa phương nhà".
Ngày nay, toàn thị xã có 3 khu công nghiệp là A và C và khu C mở rộng. Khu công nghiệp C có diện tích 90 ha nằm ở mạn bắc thị xã; tập trung sản xuất, chế biến các mặt hàng nông lâm thủy sản, với một cảng biển có thể cập tàu 5000 tấn. Khu công nghiệp A có diện tích 40 ha, ở phía tây bắc thị xã. Các khu công nghiệp này có ảnh hưởng tác động không những với thị xã mà với các khu vực lân cận như Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và đang là nơi thu hút nguồn lao động lớn. Do có vị trí trung tâm, nơi đây còn là đầu mối chính chuyển hàng hoá từ TP. Hồ Chí Minh về các huyện xung quanh và là đầu mối thu hút nhiều nguồn nông sản từ các tỉnh khác về để chế biến xuất khẩu.
Phía đông nam còn có cảng sông Sa Đéc - một cảng quan trọng trong hệ thống cảng sông miền Nam có thể đón tàu có trọng tải lớn và là nơi trung chuyển hàng hóa của tỉnh.
Sa Đéc nổi tiếng với nghề trồng hoa mà tiêu biểu nhất là làng hoa Tân Quy Đông. Mỗi độ Tết về, nơi đây lại ngập tràn hương sắc, với đủ mọi loại hoa đa dạng. Ngoài ra, còn có các làng nghề nổi tiếng như Làng bột và bánh phồng tôm Sa Giang . Đặc biệt, hủ tiếu Sa Đéc là một trong những loại hủ tiếu ngon nhất đồng bằng và được hầu hết các tỉnh biết đến.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Đéc, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2006 của thị xã tăng 19,04%; trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 26,06%, thương mại – dịch vụ tăng 16,87%, nông lâm thủy sản tăng 6,5%. Về cơ cấu kinh tế, ước tính ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 33,84%, thương mại – dịch vụ chiếm 57,68% và nông nghiệp chiếm 8,48%.
Năm 2007 tốc độ tăng trưởng GDP của thị xã là 22%, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 18 triệu đồng- mức cao nhất toàn tỉnh. Nếu như năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã đạt trên 1.374 tỷ đồng (tăng 26,47% so với năm 2005), thì năm 2007 ước đạt trên 1.899 tỷ đồng (cao nhất so với các địa phương trong tỉnh), tăng 41,91% so với năm 2006.
Làng hoa Sa Đéc - một trong những làng hoa lớn nhất Việt Nam, có diện tích trên 250ha với gần 2.000 hộ làm nghề. Ở đây có tới 1.000 chủng loại hoa. Nhờ sự khéo léo của người trồng hoa, chăm hoa; nhờ khí hậu thích hợp, hoa Sa Đéc đẹp có tiếng. Hoa Sa Đéc được xuất đi các tỉnh thành và cả sang Lào, Campuchia và Trung Quốc. ngoài ra còn có khu nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê tại bờ kè Nguyễn Huệ và bên cạnh đó còn có chợ đêm nhộn nhịp. Nhưng cơ sở hạ tầng du lịch nhất là khách sạn còn rất ít hiện tại chỉ có 2 khách sạn 2 sao là: Bông Hồng và Sa Đéc, và một số khách sạn 1 sao.
Là một thị xã lâu đời, được hình thành gần như cùng lúc với Sài Gòn và cũng là 1 đô thị vệ tinh của Sài Gòn trước đây nên vùng có rất nhiều chùa miếu, nơi thờ tự. Được mệnh danh là đô thị có nhiều chùa , miếu nhất tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt nhất là chùa Kiến An Cung - di tích lịch sử cấp quốc gia. Bên cạnh đó còn có nhiều di tích cấp tỉnh như: Chùa Hương, chùa Bà Thiên Hậu, đình thần Vĩnh Phước, v.v. Tất cả đều mang nhiều dấu ấn của văn hóa Trung Hoa. Ngoài ra, Sa Đéc còn có 17 ngôi nhà cổ được xây cất vào những năm 1900 đều mang dấu ấn của kiến trúc Pháp.
Hầu như bất kỳ du khách Pháp nào đến Sa Đéc đều đã từng ghé qua trường tiểu học Trưng Vương, một ngôi trường được xây dựng thời Pháp thuộc với nét kiến trúc khá hiện đại thời bấy giờ.
Sa Đéc là nơi sinh ra nhiều nhân tài và những người có truyền thống cách mạng, tiêu biểu là Lưu Văn Lang - kĩ sư đầu tiên của Đông Dương và châu Á, cô giáo Ngài( tức cô Trần Thị Nhượng) hoặc như anh hùng Phan Văn Út đã dùng mìn tự sát để giết chết sĩ quan Pháp. Bên cạnh đó thị xã nhỏ bé này còn được biết đến như là nơi đã xảy ra chuyện tình giữa Marguerite Duras và ông Huỳnh Thủy Lê, để rồi sao này khi trở về Pháp bà đã viết nên quyển tiểu thuyết nổi tiếng Người tình.
Đây là nơi có truyền thống hiếu học rất lâu đời của tỉnh Đồng Tháp. Nhiều năm liền Sa Đéc luôn dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng học sinh giỏi toàn tỉnh. Trong đó đáng kể nhất là các kỳ thi Olympic, các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét