Thứ Tư, 24 tháng 9, 2008

Sa Đéc, tôi thương!

Hình ảnh về Sa Đéc trước năm 1975


Tân Hưng đất lở

Rạch Cái Sơn

Sa Đéc bên dòng Sa Giang

Đường Phan Thanh Giản

Khu Hành Chánh Sa Đéc

Sa Đéc trước năm 1975 là một đô thị phồn hội và yên bình.

Nếu như Tết Mậu Thân năm 1968 Vĩnh Long và các đô thị khác chìm trong biển lửa thì Sa Đéc vẫn bình yên.

Đã bao lâu rồi Sa Đéc vẫn thế, vẫn yêu kiều diễm lệ như nàng tiểu thơ nép mình bên song cửa, dõi mắt trông theo dòng Cửu Long từng đợt sóng trào.



Hình Ảnh Cao Lãnh Trước Năm 1975












Cao Lãnh trước năm 1975 được biết đến như một căn cứ quân sự với Trung tâm huấn luyện Trần Quốc Toản đào tạo các tân binh. Ngoài ra, chính phủ Cộng Hòa cố gắng xây dựng nơi đây thành một tiền đồn nhằm kiểm soát một phần Đồng Tháp Mười khỏi sự ảnh hưởng của Lực lượng Cách mạng.



Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Cụm Ảnh Đình Chùa Miếu Sa Đéc

Chùa Kim Huê

Chùa Hương

Đình Vĩnh Phước

Chùa Ông Quách

Chùa Bà


250 Năm Đông Khẩu Đạo - Sa Đéc

Năm Đinh Sửu (1757) Chúa Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) cho thành lập 5 đạo gồm: đạo Đông Khẩu ở phía nam sông Sa Đéc (1), đạo Tân Châu ở đầu Cù lao Giêng (chứ không phải tại thị trấn Tân Châu nay), đạo Châu Đốc, đạo Kiên Giang ơ Giá Khê (Rạch Giá), và đạo Long Xuyên (Cà Mau). Ba đạo kề trước đều thuộc diện địa tỉnh An Giang thời Nam Kỳ Lục Tỉnh do Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh xin đặt; hai đạo sau do Mạc Thiên Tích xin đặt.

Đạo là khu vực hành chính và quân sự, có đồn binh, quân binh lấy từ dinh Long Hồ để trấn áp, và có lỵ sở hành chính của đất ấy đóng ở đó, theo chế độ quân quản. Ngoài chức năng đảm bảo an ninh trong vùng, các đạo còn có nhiệm vụ tiếp cứu nhau khi có việc. Cụ thể, đạo Tân Châu chịu trách nhiệm phía Tiền Giang, đạo Châu Đốc chịu trách nhiệm phía Hậu Giang, đạo Đông Khẩu ngoài nhiệm vụ yểm trợ cho hai đạo phía trước, còn là tiền đồn trấn giữ Vĩnh Long xưa. Không chỉ thế nó còn là nơi che chắn tầm xa cho Mỹ Tho, Gia Định nếu giặc xuôi theo đại giang từ biên giới xuống. Cho nên vai trò của đạo Đông Khẩu là rất quan trọng. Sau, do bộ máy triều đình đã vươn xuống, đồn bảo được lập dựng tương đối đều khắp các nơi hiểm yếu, việc phòng thủ được xem đã hoàn bị, cấp hành chính dinh không còn, vai trò các đạo do đó không cần thiết, nên bỏ vào thời Gia Long.

Như vậy, đến thời Gia Long các đạo đều giải thể, do đó sách Đại Nam nhất thống chí ghi về cổ tích , An Giang tỉnh:”Đạo Đông Khẩu cũ: Ở bờ phía nam sông Sa Đét (2) thuộc địa phận huyện Vĩnh An, đặt từ năm Đinh sửu [1757], đầu đời trung hưng, nay bỏ”. Sách đã dẫn mô tả thêm toàn khu vực, phần núi sông:”Sông Sa Đét (sic): Ở bờ phía nam sông Tiền Giang, cách huyện Vĩnh An 8 dặm về phía bắc, rộng 21 trượng , sâu 28 thước, nước trong và lành , vườn ruộng mở mang, dân giàu và đông đúc. Trước kia đạo Đông Khẩu đóng ở phía nam, phố chợ liên tiếp ở phía bắc, thuyền bè tụ tập, bên tả có bến Tiên Phố, bên hữu có bãi Phượng Nga, lại có la thành hộ vệ, có thể gọi là thắng cảnh. Về phía tây nam qua ngòi Dầu, đến Nước Xoáy gồm 24 dặm, ở đây mạch đất thắt lại , dòng nước xoáy vòng” (3).

Đúng như những người biên soạn sách Lược sử vùng đất Nam Bộ – Việt Nam: đến năm 1757 những phần đất còn lại ở miền Tây Nam Bộ mà trên thực tế đã thuộc quyền cai quản của Chúa Nguyễn từ trước đó, chính thức thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau này dưới thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), tuy có một số địa điểm vẫn còn được tiếp tục điều chỉnh, nhưng trên căn bản khu vực biên giới tây nam Việt Nam đã được hoạch định từ năm 1757”, tức cách nay (2007) vừa tròn 250 năm.

Nói chung thì vậy, còn nói riêng ta thấy, để có Sa Đéc sầm uất ngày nay, ngay từ buổi sơ thời dựng đặt Nguyễn Cư Trinh với nhãn quan của một nhà chính trị sâu sắc, ông đã chủ trương đặt đạo Đông Khẩu tại đây, về mặt chiến lược là nơi rất hiểm yếu, và nó đã phát huy tác dụng rất hiệu quả, cụ thể là đảm bảo an ninh, an toàn lãnh thổ, góp phần không nhỏ cho cuộc Nam tiến dân tộc thành công. Nhờ đó Sa Đéc sớm trở thành nơi đô hội. Đô hội mà ấm áp tĩnh lặng! Ngay từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã phải nghiêng mình thừa nhận “Sa Đéc là khu vườn của Nam Bộ”. Và cho đến ngày nay, nếu vùng đất Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp là nơi đầy ắp những sự kiện lịch sử, và là vùng sinh thái có nhiều nét đặc trưng, đặc biệt nổi tiếng là trái cây và hoa kiểng…, thì người Sa Đéc trước sau vẫn mang trong người dòng máu anh hùng dân tộc, lại rất hiền hòa chân chất, rất dễ mến, dễ thương !


Chú thích


(1) Theo lời thuật kể của Khoa Thuyên ghi trong Phủ Biên tạp lục, thủ ngự miền Tiền Giang, giữ đạo Đông Khẩu, quân 5 đội, mỗi đội 3 thuyền, mỗi thuyền 48 người, cộng 720 người; chiến thuyền 15 chiếc. Vậy tổng số quân của đạo Đông Khẩu có 720 người.

(2) Về địa danh này sách Đại Nam nhất thống chí trước sau đều ghi là Đét (không viết Đéc như hiện nay. Tra “sách thày”, bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của không thấy co mục từ Đéc mà chỉ có mục từ Đét

(3) Sách Gia Định thành thông chí cũng mô tả như thế và giải thêm về sông này :”…. Có đạo Đông Khẩu ở phía nam, chợ phố liên lạc, ghe thuyền nhóm đông, làm chỗ đại đô hội cho trấn này. Phía tả có Tiên Phố (thuộc về thôn Tân Qui Đông, mõm cát trắng lè ra như cái lưỡi, nước trong, gió mát, sông êm, người ta thường đậu thuyền nơi ấy, không có ruồi muỗi quấy nhiễu nên gọi là Tiên. Phía hữu có bãi Phụng Nga hình như la thành hộ vệ, núi sông hiểm yếu, bờ cõi vững yên. Chảy qua tây nam 33 dặm có Rạch Dầu (ở bờ phía tây), rạch Nàng Hai (ở bờ phía đông), rạch Sa Nhân (ở bờ phía tây), rồi đến ngã ba Nước Xoáy, mạch đất bị đến khẩn cấp, dòng nước chảy loanh quanh như kiểu chữ chi chữ huyền, để giữ chặt khí sinh vượng.


Biên soạn theo Nguyễn Hữu Hiệp

(www.vannghesongcuulong.org)



Phước Hưng Cổ Tự


Phước Hưng Cổ tự là một trong những ngôi chùa cổ kính, khang trang, tọa lạc tại trung tâm thị xã SaĐéc. Chùa này do nhóm người Hoa thuộc hội Minh Hương đến đất SaĐéc sanh cơ lập nghiệp dựng nên cách nay hơn một thế kỷ để thờ Phật.

Thời gian sau được đồng bào Hoa-Việt trùng tu lại đầy đủ và tiện nghi hơn, nay còn gốc hai chữ chùa Hương.

Chùa Hương đẹp rực rỡ, kiến trúc hài hòa giữa nội và ngoại thất. Chùa có 08 mái và 02 cấp, được lợp ngói âm dương tạo gợn sóng, chót mái lơi ra nhưng không quá nhọn và cong vút lên cao. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miểng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, qui, phụng, ánh lên những sắc màu rực rỡ khi tiếp xúc nắng mặt trời.

Qua cửa Đông Lang để vào chánh điện du khách sẽ gặp hai câu đối nghe như âm vang chí nguyện của người xưa. Bên trong Đông Lang là phòng tiếp đón khách thập phương, kế đến là tổ điện gồm 05 gian bố trí 3 đường để chư tăng thọ trai mỗi ngày. Giữa tổ điện phía trong trai đường là bàn thờ chư liệt vị tổ sư và các vị trụ trì. Những di ảnh, linh vị đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son, thếp vàng chạm trỗ hoa văn rất sắc sảo. Trước tổ điện treo một bức hoành phi cạm trỗ rất công phu, giữa là 03 chữ Bát Nhã Đường nổi bật trên nền mai, lan, trúc, bướm, quạt, cuốn thư, giấy bút… Phía trái của chánh điện là Tây Lang vừa để tiếp tăng khách và cũng là nơi lưu giữ các sách kinh. Trước Tây Lang là một hồ sen trắng tỏa hương, sau là khu tháp mộ của các vị trụ trì.

Cách thức thờ phượng của chùa theo lối cổ, tôn nghiêm gồm hai bộ Tam Thánh Tây Phương cực lạc (Phật A-Di-Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí), đặc biệt có một pho tượng A-Di-Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay.

Trong số các pháp khí có giá trị phải nói đến chiếc mõ tụng kinh chạm hình song ngư tuyệt đẹp và một chiếc mõ khác nặng khoảng 15kg được Hòa Thượng Vĩnh Tràng phát nguyện ra đến Hà Nội thỉnh về…

Sa Đéc hiền hòa, cây lành trái ngọt, nước sông trong mát, hoa kiểng thanh lịch. Có dịp về đây mời du khách đến với cổ tự Phước Hưng nằm trên đường Hùng Vương, con đường chính đẹp nhất giữa lòng thị xã.


( Theo dongthap.gov.vn )



Kiến Trúc Thuộc Địa Ở Sa Đéc

Nhà Ông Huỳnh Thủy Lê, Đường Nguyễn Huệ, Sa Đéc







Địa Điểm: QL 80, Phường 2, Sa Đéc


 Địa Điểm: Phường 4, Sa Đéc




Địa Điểm: Phường 4, Sa Đéc





Địa điểm: Đường Nguyễn Huệ, Phường 2, Sa Đéc




Địa điểm: Đường Nguyễn Huệ, Phường 2, Sa Đéc

Biên soạn theo www.belleindochine.free.fr


Chùm Ảnh Về Sa Đéc Xưa





Tòa Hành Chánh Sa Đéc


Toàn cảnh chợ Sa Đéc


Bệnh Viện Sa Đéc những ngày đầu thành lập 1905



Sa Đéc phố thị



Chợ Sa Đéc những năm đầu thế kỷ 20

Biên soạn theo www.belleindochine.free.fr


Ông Bác Vật Lang

Người kỹ sư đầu tiên của Đông Dương thuộc địa

Ông sinh ngày 5 tháng 6 năm 1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nghèo làm nghề thủ công phục vụ cho nông nghiệp nhưng có truyền thống hiếu học.

Thân sinh ông là cụ Lưu Văn Cúng, vốn là một người xuất thân Nho học. Vì vậy, ngay từ nhỏ, ông đã được học chữ Nho. Đến năm lên 10, ông bắt đầu học tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Vốn có tư chất thông minh lại chăm chỉ, ông nhanh chóng trở thành một học sinh xuất sắc và giành được suất học bổng đặc cách vào học trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn. Năm 17 tuổi, ông thi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, do đó nhận được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris (thời đó gọi là trường Bá Nghệ trung ương Pháp quốc) - nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp loại ưu bằng Kỹ sư Bá nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures de L’Ecole centrale de Paris), xếp hạng 8/250 sinh viên, trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ.

Bác vật Lang - người trí thức đất Nam Bộ

Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước và được nhà cầm quyền Pháp trọng dụng, cử ngay sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt nối liền Đông Dương và Vân Nam.

Năm 1909, sau khi tuyến đường sắt hoàn thành, người Pháp đưa ông về Sài Gòn làm việc trong Sở Công chánh Đông Dương, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Sở Công chánh, thường xuống Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng. Ông không chỉ được người dân đương thời Nam Bộ kính trọng và gọi là "quan Bác vật Lang" mà còn được các kỹ sư Pháp kính nể.

Năm 1929, ông cùng với hai người Việt đứng ra sáng lập Việt Nam Ngân hàng tại Sài Gòn và giữ chức Chủ tịch. Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập Hội Khai Trí Việt Đức ở Hà Nội và hội SAMIPIC ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được đi du học và trở thành nhà trí thức quan trọng. Từ năm 1943-1944,ông tích cực truyền bá chữ quốc ngữ tại Sài Gòn và các tỉnh.

"Tôi đã quá già để làm tay sai!"

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật.

Khi Việt Minh giành chính quyền, ông ít nhiều thể hiện sự đồng tình với chính quyền độc lập của người Việt. Chính vì thế, sau khi người Pháp tái chiếm Nam Bộ, để xây dựng một chiêu bài chính trị hòng chia rẽ người Việt, họ đã cho mời ông tham gia Hội đồng tư vấn Nam Kỳ của chính phủ Nam Kỳ quốc do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu. Kỹ sư Lưu Văn Lang đã trả lời thẳng thắn: "Je suis trop vieux pour servir de valet!" (Tôi đã quá già để làm tay sai!).

Đi xa hơn nữa, thể hiện sự phản đối của mình đối với chính quyền được cho là "bù nhìn" và công cụ của người Pháp nhằm chia rẽ người Việt, tháng 5 năm 1947, ông đã ký tên đầu tiên vào bản Tuyên ngôn của 400 trí thức (gồm những bác sĩ , kỹ sư, giáo sư, luật sư... ) có cả Tỉnh trưởng Albert Tình và quan tòa Trần Văn Tỷ) đòi “Chính phủ phải chấm dứt chiến tranh và thương lượng với Chính phủ Cụ Hồ Chí Minh”.

Năm 1948, ông được chính phủ kháng chiến mời làm cố vấn Hội trưởng Hội Liên Việt Sài Gòn-Chợ Lớn vừa được thành lập.

Tháng 6 năm 1949, một lần nữa ông cùng hàng trăm tri thức Sài Gòn kí tên vào bảng tuyên ngôn đòi Pháp phải thương thuyết với Hồ Chí Minh để chấm dứt chiến tranh.

Ngày 12 tháng 1 năm 1950, ông là một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình trong đám tang học sinh Trần Văn Ơn tại Sài Gòn.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình đòi thì hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được cử làm chủ tịch danh dự. Tháng 11 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào. Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền phải trả tự do cho ông vì áp lực của dân chúng và thiếu bằng chứng buộc tội.

Tháng 7 năm 1955, một lần nữa ông cùng Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử. Phong trào bị đàn áp mãnh liệt, nhiều trí thức bị bắt giam, giáo sư Nguyễn Thị Diệu bị ám sát dã man, Phong trào bị chính quyền giải tán. Kỹ sư Lưu Văn Lang tuy không bị bắt giam, nhưng bị chính quyền quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958.

Ông qua đời tại Sài Gòn ngày 3 tháng 6 năm 1969, thọ 88 tuổi. Sinh thời, ông được đánh giá là một nhân tài của Việt Nam, nhà trí thức tiêu biểu cho nghĩa khí người Nam Bộ.

Ngày 14 tháng 8 năm 1975, Ủy ban quân quản Sài Gòn đã đổi tên đường Tạ Thu Thâu bên hông chợ Bến Thành thành Lưu Văn Lang (nay thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày này, tại thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp cũng có một ngôi trường, một con đường mang tên ông.

Giai thoại cuộc đời

Đương thời, Cụ Lưu Văn Lang nổi tiếng giỏi nghề và rất đức độ nên được sự kính nể của các người Pháp lẫn người Việt. Đặc biệt, người Nam Bộ bấy giờ thường đồn đại nhiều giai thoại về “Bác vật Lang” hiểu thấu nhiều bí mật về “Thiên cơ”, chẳng hạn như vùng đất nào sẽ sụp lở, chiếc cầu sắt nào sẽ hư và núi nào sẽ nứt...

Một giai thoại nổi tiếng đầu thế kỷ 20 tại Bạc Liêu, khi cầu Long Thạnh (do một kỹ sư Pháp chủ trì) xây dựng sắp xong, ông lấy gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập. Viên kỹ sư Pháp hết sức phẫn nộ nhưng rồi vô cùng bái phục bởi cây cầu sập đúng thời gian như ông nói. Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là cầu Sập. Do việc này, viên tỉnh trưởng Bạc Liêu thời đó rất khâm phục nên đối đãi với ông rất hậu hĩ. Để đáp lại tình cảm đó, ông xây tặng viên tỉnh trưởng chiếc một chiếc đồng hồ mặt trời ngay trong dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu, số 84 Hai Bà Trưng, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Chiếc đồng hồ này xây bằng gạch tàu và xi măng cao khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía đông ở trước sân dinh tỉnh trưởng. Đồng hồ gồm 3 phần: Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối. Con số nào nằm giữa hai vệt này là số giờ lúc ấy.Một giai thoại khác về Hang Bác vật Lang tại núi Cấm (An Giang). Khi người Pháp thám sát các hang núi Cấm, họ đã đưa Bác vật Lang lên núi Cấm và thòng dây thả ông xuống để thám sát lòng hang này. Trong hang rất tối, lạnh lẽo, thiếu dưỡng khí nên mọi thứ đèn đuốc đều khó cháy sáng. Sau gần một ngày xem xét ở dưới đó, ông trở lên mặt đất và từ đó ông không nói một lời nào… Từ đó, người địa phương gọi tên hang theo tên ông.

(Biên soạn theo www.wikipedia.org)


Nem Lai Vung

“Lai Vung là xứ lạ lùng nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”

Nếu Sa Đéc có làng hoa Sa Đéc thì huyện Lai Vung cũng nổi tiếng khắp vùng đồng bằng Nam Bộ với nghề làm nem truyền thống. Nằm ở phía Bắc sông Hậu, làng nghề làm nem ở Lai Vung được hình thành hơn 60 năm nay và là một trong những làng nghể lâu đời nhất ở địa phương, nằm trong số gần 30 làng nghề được tỉnh Đồng Tháp công nhận.

Đặc sản nem Lai Vung từ lâu đã nổi tiếng với hương vị ngon đặc biệt. Thong thả mở từng lớp lá chuối, chắc chắn bạn không thể cầm lòng trước miếng nem tươi đỏ hồng điểm xuyết những hạt tiêu đen, vài lát tỏi trắng mỏng. Nem chua khi ăn có vị ngọt của thịt và vị chua của nem, còn nem nướng cũng là loại nem chua nhưng dùng khi nem chưa lên men, nưóng trên vỉ than đỏ hồng, ăn kèm với bún, rau thơm, nước chấm…

Nghề làm nem cũng lắm công phu, làm ra một chiếc nem phải trải qua rất nhiều công đoạn. Thịt làm nem là thịt heo đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được lạng nhỏ thành từng miếng. Trộn lẫn các thứ thịt, bì, tiêu, ớt, lót kèm lá vông xong nguời ta gói lại bằng lá chuối tươi để từ 3 đến 4 ngày cho lên men ở nhiệt độ khoảng 270-300 C. Nem làm ngon và đúng cách phải đủ 8 phần thịt, 2 phần bì, thịt lợn phải tươi, gia vị phải cân đối, gói thật đều tay. Vì vậy mà ở Lai Vung có câu vè : “Từng gói, từng gói nếu ai không giỏi thì gói không đều, từng lá nhỏ tươi bao tròn viên thịt, để lá ít thì nem lâu chua, để thịt vừa vừa thì nem lâu chín…”

Tương truyền rằng, những ông tổ của nghề làm nem lúc đầu làm ra món ăn này chủ yếu để cúng kiến, giỗ tiệc, lễ tết. Sau này thấy ăn ngon miệng, dễ làm nên nhiều nguời Lai Vung quyết định học cách làm nem để bán. Ban đầu chỉ là bán nhỏ, lẻ, rồi sau đó truyền miệng cho nhau nên việc buôn bán nem cũng phát triển theo những chuyến xe đò, chuyến phà miền Tây và tới thập niên 1980-1990 đã trở thành mặt hàng bình dân được ưa chuộng. Đến năm 2000, Lai Vung đã có hàng chục lò nem tên tuổi như Cô Hoàn, Út Thẳng, Tư Minh, Năm Thơ… Huyện Lai Vung cũng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá cho làng nghề mình với tên gọi “nem Lai Vung”, mỗi ngày sản xuất ra hơn 300 ngàn chiếc nem lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động…

Một khi đã tới Tx Sa Đéc, hẳn bạn không thể quên mua vài chục nem Lai Vung về làm quà cho bạn bè và nguời thân. Giá 1 chục nem nhỏ khoảng 6.000đ, nem lớn 1 chục 12.000đ. Mùi vị đậm đà của chiếc nem Lai Vung chắc chắn sẽ làm khách thập phương lưu luyến mãi khi nhớ về một Sa Đéc hiền hòa.

( Theo dongthap.gov.vn )



Thứ Năm, 4 tháng 9, 2008

Nghề làm bột ở Sa Đéc


Thị xã Sa Đéc là một trong những đầu mối trung chuyển lương thực lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và là địa phương nổi tiếng với làng nghề làm bột gạo. Hình thành và phát triển từ nửa thế kỉ nay, có lẽ do điều kiện tự nhiên thuận lợi : nguồn nước ngọt quanh năm, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp nên sản phẩm bột gạo ở đây có những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp.

Với trên 2000 lao động và sản lượng trên 30.000 tấn bột gạo/năm, làng bột Sa Đéc là nơi cung ứng chủ yếu cho nhu cầu tiêu thụ của TP.HCM và khắp vùng Đông, Tây Nam Bộ, xuất khẩu ra cả các nước Đông Nam Á.

Sản phẩm bột gạo ở đây được chia thành 2 loại : bột tươi, ướt, được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô dùng để dự trữ, chế biến dần. Từ bột gạo, người ta chế biến ra hàng chục mặt hàng thực phẩm rất hấp dẫn, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày như phở, hủ tiếu, bún, các loại bánh, các sản phẩm ăn liền…

Bột lọc Sa Đéc còn nổi tiếng với bí quyết sản xuất gia truyền, độc đáo. Các thực phẩm được chế biến tử bột lọc Sa Đéc có chất lượng tuyệt vời, dai mà mềm, thơm ngon đặc trưng, khiến bạn ăn một lần nhớ mãi. Chính vì thế mà hủ tiếu Sa Đéc – một trong những món ăn được làm từ bột gạo Sa Đéc- từ lâu đã là đặc sản nổi tiếng, đến nay vẫn luôn được mọi nguời ưa chuộng với sợi hủ tiếu có độ dai vừa phải, kết hợp với nước lèo thơm lừng, ngọt đậm đà.

Hiện nay, nhà máy bột Bích Chi ở số 45 quốc lộ 80 thị xã Sa Đéc là nhà máy sản xuất bột lớn nhất tại Đồng Tháp, với sản phẩm mang nhãn hiệu “bột Bích Chi” đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước từ những năm trước 1975. Công suất hiện tại của nhà máy là 1200 tấn bột và 3000 tấn ngũ cốc/ năm. Đóng ở địa thế thuận lợi, nằm trong vùng nguyên liệu dồi dào cùng với đội ngũ công nhân lành nghề, nhà máy bột Bích Chi đang xúc tiến việc liên doanh với các đối tác đầu tư trong và ngoài nước nhằm đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao công suất, đưa thương hiệu “bột Bích Chi” đứng vững và tiếp tục khẳng định tên tuổi trên thị trường trong nước và thế giới.

(Theo dongthap.gov.vn)


Chùa Bà Sa Đéc

Chùa Bà ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là một ngôi chùa cổ kính, có lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Trung Hoa. Chùa được cộng đồng người Hoa ở đây xây dựng từ năm 1867 để làm nơi thờ cúng và dùng cho việc sinh hoạt cộng đồng ở địa phương. Chùa có diện tích trên 1.000 m2, tọa lạc tại số 143 đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, nơi này là một cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Sa Đéc và là nơi người dân, khách du lịch ở mọi miền đất nước, về thưởng ngoạn và cúng bái.

Được biết trước đây, ngôi chùa chỉ nằm trên một khuôn viên hẹp, chủ yếu được cất bằng tre lá, do nhóm người Hoa Phước Kiến đề xuất xây dựng. Đến năm 1886 chùa mới bắt đầu trùng tu và xây dựng thêm, mở mang diện tích, xây gạch, ốp đá, trang trí, nên chùa có qui mô lớn hơn, nhiều màu sắc sặc sỡ. Hầu hết các nguyên vật liệu để trùng tu ngôi chùa đều được chở từ Trung Quốc sang. Hiện nay, chùa có bốn bang Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ, Phước Kiến thay phiên nhau bảo quản và lo khói hương cúng bái.

Trước chùa Bà có một khoảng sân rất rộng, được tráng xi măng sạch sẽ, trồng nhiều cây kiểng, có hàng rào bao bọc xung quanh. Nóc chùa được lợp ngói âm dương. Trên mái nóc trang trí hình lưỡng long tranh châu cùng tượng các hình nhân của các vị tiên, phật trong các truyện xưa tích cũ của Trung Hoa. Trên trần nhà, phía dưới mái nóc, có rất nhiều tranh vẽ về các câu chuyện truyền kỳ của Trung Quốc như: Tam quốc diễn nghĩa, Phong Thần, Đông Chu liệt quốc... Dưới trần nhà, hai bên có hai tượng kỳ lân bằng đá đang ngồi trên thanh xà ngang, mặt hướng về phía trước như trấn giữ cho ngôi chùa. Dưới mái nóc, còn có treo những quả đèn cầu hai bên trông thật đẹp mắt. Ở hai cửa chính, có hai dòng chữ Hán: Bên trái là An dân. Bên phải là Bảo quốc. Ngoài ra, chùa còn có đông lang và tây lang - dùng để sinh hoạt tiếp khách. Một bên thờ Tề thiên đại thánh, một bên thờ Quan thánh đế quân.

Ngay sau cửa chính có hai bàn thờ của Hữu môn thần và Tả môn thần ở hai bên. Trên cổng chính là bức hoành phi với dòng chữ Hán là Thiện Hậu cung. Chùa được cất theo hình chữ Đinh, đặc biệt là gian trước và gian sau được cất liền nhau, không có sân thiên tĩnh. Hai bên vách, phía trên được để trống chứ không xây bít lại - dùng để đón lấy ánh sáng mặt trời, nên trong chùa rất sáng sủa và thoáng đãng, không có vẻ tĩnh mịch nhưng lại cũng rất trang nghiêm. Có 16 hàng cột to dùng để đỡ mái nóc. Xung quanh các hàng cột này, có rất nhiều liễn đối bằng chữ Hán với nền đỏ sậm và dòng chữ đen tuyền. Xung quanh cũng có rất nhiều hình vẽ, hoành phi, câu đối, võng lọng được trang trí khéo léo nên trông rất đẹp mắt, đồng thời thể hiện một cách đặc sắc trong phong cách văn hóa truyền thống Trung Hoa thông qua các liễn đối và cách bài trí.

Nhưng lộng lẫy và uy nghiêm nhất chùa là chính điện. Phía trái có một tòa tháp 7 tầng dùng để đựng chân nhang mỗi khi đốt xong. Gian chính điện được trang trí lộng lẫy với nhiều hoành phi màu đỏ và sắc chữ màu vàng. Chính điện được chia làm ba gian chính. Gian giữa là bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - vị thần được bà con người Hoa xem như một vị thần biển có công giúp đỡ ngư dân, thương buôn... Trong cuộc sống mưu sinh của họ, bà thường hiển linh trợ giúp kịp thời những tàu thuyền mỗi khi gặp gió to sóng lớn, phù hộ cho dân chài có cuộc sống an lành, bình yên. Chính vì lẽ đó, hình ảnh của bà luôn được cộng đồng người Hoa suy tôn là một vị thần theo lệnh trời phù hộ cho muôn dân. Theo truyền thuyết, vào đời Tống Thái Tổ, Kiến Long nguyên niên (960), tại huyện Bố Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phước Kiến, có con gái thứ 6 của Lâm Nguyên. Khi mới lọt lòng mẹ đã tỏa hào quang, hương thơm. Khi lớn có thể cưỡi chiếu, biển, cưỡi mây đi du ngoạn khắp nơi. Đến năm Tống Thái Tôn thứ 4 (987) bà đã giã từ cõi trần, hưởng dương 27 tuổi. Truyền thuyết dân gian cho rằng bà thường hiển linh mặc đồ đen bay lượn trên biển. Từ đó qua các triều đại phong kiến Trung Quốc bà đều được phong tước hiệu. Đời Nguyên, được phong làm Thiên Phi, đời Thanh Khang Hy, bà đều được gia phong làm Thiên Hậu...

Theo sử liệu, thì vào đầu niên đại Mãn Thanh (đầu 1760), đã có rất nhiều thương buôn đi tàu sang Việt Nam buôn bán, làm ăn, do đi tàu sóng to gió lớn nên trên tàu đều có thờ Thánh Mẫu để phù hộ. Lúc bấy giờ, tàu bè đi biển thường trông theo hướng gió, thường đi từ lúc mùa gió Bắc và về lúc mùa gió Nam, do đó họ luôn phải ở lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm. Nhiều người trong số thương buôn đã đề nghị hùn tiền xây miếu để thờ bà và xây Hội quán để làm nơi dừng chân của họ. Sau này, vì bên Trung Quốc, thời cuộc không ổn định, nhiều thương gia đã không về nước mà ở lại Việt Nam để an cư lạc nghiệp.

Hằng năm, chùa Bà ở Sa Đéc có hai ngày lễ lớn: ngày 23 tháng 3 âm lịch là vía ngày sanh. Ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày hiển thánh. Nhưng long trọng hơn cả là ngày vía bà 23 tháng 3 âm lịch. Để tổ chức tốt cho kỳ lễ vía, bà con người Hoa đã chuẩn bị nhiều ngày trước đó: khoảng 18 tháng 3 âm lịch là bà con người Hoa đã tập trung ở Hội quán để sửa sang, quét dọn, chuẩn bị... Người ta tổ chức tắm cho Bà sạch sẽ, thay quần áo mới cho Bà. Lễ tắm Bà được tổ chức rất trang trọng, nơi Bà ngự được quét dọn sạch sẽ, căng màn che lại, cử hai cô gái vào tắm rửa cho Bà. Người ta nấu nước sôi để nguội rồi đổ vào thau, hái lá bưởi để vào rồi dùng khăn tắm cho Bà. Lá bưởi được người Hoa tin như một thứ bùa hộ mệnh dùng để tẩy sạch bụi trần, bao điều phiền muộn, những thứ xui xẻo, không may mắn. Sau khi tắm Bà xong, người ta lấy nước đó về tắm cho trẻ con để cầu mong nó được khỏe mạnh, nên người.

Khoảng 6 giờ sáng, ngày 23 tháng 3 âm lịch, những người trong Ban trị sự của Hội quán đã đến chuẩn bị lễ vật cho ngày vía Bà. Lúc này cũng đã có nhiều người đến cúng bái. Người ta mang theo nhang đèn, trà, rượu.... gà vịt đã làm sẵn để cúng bái. Cúng xong, có người mang lễ vật về, nhưng cũng có người để lại. Đúng 9 giờ sáng là chính thức làm lễ vía Bà. Bởi số 9 được người Hoa quan niệm là con số may mắn nên 9 giờ là giờ tốt. Khi lễ vía Bà ở Hội quán xong, bà con người Hoa còn tổ chức đưa Bà đi du ngoạn quanh các đường phố, các con đường lớn, người ta khiêng tượng Bà đi vòng quanh các con phố gọi là thỉnh Bà hành cung. Trong buổi du ngoạn đó, có đại diện Ban trị sự Hội quán, đông đảo bà con người Hoa đi cùng, mặc đồ lễ, có lọng che, cờ phướn, cờ lệnh, trống kèn... thật nô nức, nhộn nhịp. Mục đích của chuyến du ngoạn này là để cho Bà xem nhân tình thế thái, cảnh sắc quê hương... Trên đường Bà du ngoạn, có một vài gia đình người Hoa đặt bàn cúng trước nhà - nơi Bà sẽ đi qua để hộ tống Bà và cũng cầu Bà ban cho phước lộc, tiền tài... Ngày nay, lệ này dường như không còn nữa vì tổ chức như vậy rất rườm rà và tốn kém.

Chùa Bà Sa Đéc thiên về cúng đồ chay, nhưng trong những ngày vía, ngày lễ đó người ta cũng cúng mặn gồm heo, gà, hương đăng trà quả... Trong các ngày này, khách thập phương cũng như dân làng xung quanh đổ về chùa rất đông. Tất cả đều thành tâm cúng bái, vui chơi, thưởng ngoạn. Ngày vía bà hằng năm thật sự là một ngày hội lớn, là một nét sinh hoạt văn hóa vui tươi và đầy bổ ích không chỉ của cộng đồng người Hoa ở Sa Đéc mà còn là niềm vui chung của các dân tộc ở đây. Vì lẽ đó mà ngày 10 tháng 4 năm 2003 Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ra Quyết định số 416/QĐ.UBHC công nhận chùa Bà là một di tích lịch sử cấp tỉnh.

Kiều Quang - Báo Cần Thơ


Bánh Phồng Tôm Sa Giang


Sa Giang là tên được người Sa Đéc xưa gọi dòng sông chảy ngang qua thị tứ sầm uất của xứ sở này. Nhiều sách xưa ghi lại rằng, Sa Đéc là vùng đất được lưu dân phương Nam tìm đến lập làng khá sớm bởi nơi đây được thiên nhiên ưu đãi...

Sa Giang là tuyến giao thương đường sông quan trọng nối liền sông Hậu với sông Tiền, nối Sa Đéc với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc sông Hậu và TPHCM, góp phần phát triển nhiều mặt của Sa Đéc ngày nay…

Theo các sách về lịch sử tỉnh Đồng Tháp thì “ …Khi Gia Long lên ngôi, Sa Đéc là một phần của huyện Vĩnh An. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, khu vực Bắc sông Tiền là Tân Châu, Hồng Ngự xuống đến Sa Đéc được Gia Long qui hoạch thành trung tâm kinh tế. Suốt một thời gian dài sau đó, chợ ở Sa Đéc sung túc nhất Đồng bằng sông Cửu Long… ”. Sông Sa Đéc, một tuyến giao thông đường thủy quan trọng bậc nhất thời đó thường được gọi là Sa Giang…

Có lẽ, vì xuất phát từ vùng đất bên bờ Sa Giang nổi tiếng từ xưa, nên ngày nay, trên nhiều thương hiệu hàng hóa hoặc sản phẩm thủ công truyền thống, người Sa Đéc rất thích đặt tên gắn liền với cái tên Sa Giang, trong đó, nổi bật và độc đáo nhất có lẽ là loại bánh dân gian truyền thống mang tên “Bánh phồng tôm Sa Giang”... Bánh phồng tôm Sa Giang được chế biến từ bột khoai mì tinh chế cộng với tôm xay nhuyễn và gia vị sao cho vừa ăn. Các thành phần nguyên liệu sau khi được trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải hình ống dài và đưa vào nồi hấp chín nhiều giờ. Sau đó, những cây bột này sẽ được cắt thành lát mỏng thật đều và đem phơi khô… Bánh sau khi chiên phồng đều, giòn, thơm mùi tôm rang và đặc biệt là có vị cay nồng của tiêu hột…

Để đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, hiện nay, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất bánh phồng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với nhiều sản phẩm mới, tạo thương hiệu “Bánh phồng Sa Giang” trên thị trường trong và ngoài nước. Con tôm nước ngọt, bàn tay khéo léo và sự cần cù chịu khó của bà con làng nghề đã lưu giữ nghề làm bánh phồng Sa Giang ngót nghét trăm năm và đã trở thành một nghề truyền thống thật độc đáo...

Ngày nay, bánh phồng tôm luôn hiện diện trong ẩm thực của mọi gia đình người dân Nam bộ, góp phần làm phong phú thêm hương vị những món ăn vốn đã đặc sắc của người phương Nam… Đến với làng nghề, chúng ta luôn trân trọng những sáng tạo của bà con trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề… Mong rằng bà con sẽ làm giàu với nghề truyền thống của mình và thương hiệu bánh phồng Linh Giang, Trương Giang hay Sa Giang… sẽ vươn xa hơn nữa trên thị trường ẩm thực thế giới…

Quách Nhị (Nguồn: www.vinhlongtv.com.vn)