Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Thị xã Sa Đéc


Nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, thị xã (TX) Sa Đéc (Đồng Tháp), một đô thị lâu đời, mang đậm nền văn hoá sông nước. Mặc dù không phải là thị xã tỉnh lỵ nhưng TX Sa Đéc là trung tâm kinh tế, thương mại hàng đầu của Đồng Tháp. TX hiện có hai khu công nghiệp A, C và đang mở thêm khu C mở rộng. Các khu công nghiệp này có ảnh hưởng tác động không những với TX mà với các khu vực lân cận như Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và đang là nơi thu hút nguồn lao động lớn.

Do có vị trí trung tâm, TX là đầu mối chính chuyển hàng hoá từ TP.HCM về các huyện xung quanh và là đầu mối thu hút nhiều nguồn gạo từ các tỉnh khác về để chế biến xuất khẩu. Hơn một trăm năm qua, Sa Đéc còn nổi tiếng cả nước với vùng trồng hoa kiểng, cây cảnh truyền thống. Sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc hiện đang cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, các tỉnh miền Trung, thị trưrờng Campuchia và đang hướng đến những thị trường xuất khẩu khác.

Ngoài QL80 và sông Tiền chảy qua nội đô, TX còn có sông Sa Đéc - Lấp Vò là tuyến sông cấp 1 (nối liền giao thông thuỷ giữa TP.HCM đi Kiên Lương và Campuchia), có cảng Sa Đéc nằm trong hệ thống cảng biển quốc gia và một cảng sông nội địa mới đợc Trung ương đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo, thuỷ hải sản của toàn khu vực ĐBSCL.

Tại cuộc họp ngày 8/12/2006, TX giàu tiềm năng phát triển này đã được Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đánh giá là đạt chuẩn đô thị loại III.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2007

Làng hoa Sađéc











Làng hoa Sa Đéc có diện tích trên 250ha với gần 2.000 hộ làm nghề. Ở đây có trên 1.000 chủng loại hoa, mỗi năm xuất đi các tỉnh, thành và cả sang một số nước trong khu vực.

Trồng hoa, kiểng là nghề truyền thống có từ hơn 100 năm nay ở Sa Đéc. Sự tài hoa trong đôi tay, đôi mắt của những nghệ nhân nơi đây kết hợp với thời tiết, khí hậu thích hợp khiến trăm hoa càng thêm thắm sắc.

Sa Đéc - Xứ Sở "Người Tình"

Du khách Pháp yêu Sa Đéc một cách đặc biệt vì họ tìm thấy một tình yêu rất Pháp qua nơi này

Thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được nhiều người nước ngoài tìm đến bởi tiểu thuyết Người tình (L’amant) của nữ văn sĩ Pháp danh tiếng Marguerite Duras. Đó là một chuyện tình có thật gắn liền với ký ức thời thiếu nữ của bà. Và trên chuyến phà trên dòng Mê Kông nối liền Sa Đéc, Vĩnh Long với Sài Gòn, Marguerite Duras đã gặp người tình của mình, Huỳnh Thủy Lê. Từ đó, một thiên tình sử tráng lệ được ra đời.

Một cảnh trong phim Người Tình

Chuyến Phà Định Mệnh Thành Qúa Khứ - Hiện bày trước mắt chúng tôi là một đô thị cổ nhỏ nhắn với cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền. Những cảnh đời sống diễn ra hai bên bờ sông Mê Kông với vẻ bình dị từ muôn đời nay. Nhưng tất cả không làm người khách lạ có cảm giác bất ổn về chuyện mỹ quan hay ô nhiễm nào đó. Dường như, thiên nhiên với cuộc sống con người luôn sống chan hòa như chưa hề một lần đối nghịch. Nhưng chỉ cần chảy qua khỏi thị xã, con sông lại mang dáng vẻ khác. Cũng rất xanh mát nhưng có gì đó lành lạnh, cứ cuồn cuộn trôi. Một nhánh sông Mê Kông rẽ vào thị xã càng thêm mềm mại bởi những làng hoa, những cây đa bến cũ điểm tô. Hãy nghe Marguerite Duras nói về dòng sông nơi mẹ mình dạy học: “Mẹ tôi thỉnh thoảng nói với tôi rằng không có nơi chốn nào trong suốt cuộc đời tôi lại nhìn thấy được một dòng sông đẹp đẽ, vĩ đại và hoang dã như nơi đây. Sông Mê Kông và những phụ lưu của nó đổ ào ra biển, lưu lượng nước khổng lồ tự nhiên biến mất dưới sự soi mòn của đại dương. Trên một vùng bao la vô tận của tầm nhìn, con sông chảy uốn khúc trong trượt dốc của đất trời thấp xuống...”.

Không mấy khó khăn để tìm hiểu thiên tình sử Marguerite Duras bởi dân Sađéc đã nằm lòng mọi chuyện. Họ càng tự hào khi thấy thiên tình sử của Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê được tái hiện qua bàn tay của đạo diễn tài ba Jean - Jacques Annaud. Chính hình ảnh mở đầu phim Người tình của Jean - Jacques Annaud với một chuyến phà sang sông Mê kông lúc trời sáng đã làm bao trái tim thổn thức. Thiếu nữ Jean March dáng vẻ phớt đời với đôi môi đỏ thẫm nhìn về phía dòng sông xa xăm. Xung quanh là những con người lam lũ Việt Nam làm nổi bật dáng vẻ Tây phương đầy tâm trạng ấy. Chàng Hoa kiều giàu có đã tìm thấy một tình yêu của riêng mình từ dáng đứng ấy. Khi xem những thước phim của Jean - Jacques Annaud, nhiều du khách đã muốn đến ngay xứ sở chín rồng với hy vọng tìm những phút rung động cho riêng mình. Chuyến phà định mệnh ấy nay đâu? Một số tài liệu cho rằng đó là phà Mỹ Thuận. Quả là tiếc nuối cho những người theo dấu Người tình khi chuyến phà ấy đã không còn vì đã có cây cầu Mỹ Thuận hoành tráng bắc ngang.

Thế Giới Của Huỳnh Thủy Lê - Dạo quanh thị xã, cảm giác quen thuộc của những trang tiểu thuyết Người tình lại hiện về. Những ngôi nhà kiểu Pháp xuất hiện lác đác với dấu vết thời gian đang tàn phá. Khu chợ thị xã với dãy phố mái ngói rêu phong kiểu Trung Hoa. Những con đường với hai hàng cây vào nhau như vòng tay âu yếm của người tình. Trên con đường Nguyễn Huệ, khóm 1, phường 2, nhà người tình Huỳnh Thủy Lê hiện dần ra. Mọi thứ có vẻ khiêm tốn hơn những gì phim ảnh, bút mực ngợi ca. Bởi ngôi nhà của Huỳnh Thủy Lê trong phim là một công trình kiến trúc cổ ở tận xứ Bình Thủy (Cần Thơ) đã trên 130 tuổi. Ngôi nhà của Huỳnh Thủy Lê cũng ngần ấy tuổi được khởi công vào năm 1889 và trùng tu năm 1917. Sau những phút ngỡ ngàng, chúng tôi dạo bước theo lối cũ vào nhà Người tình. Đã một thời, ngôi nhà được ngành công an sử dụng làm nơi làm việc khiến nhiều du khách tìm đến xót xa ra về. Bởi họ không thể đứng giữa ngôi nhà đã hình thành một Hoa kiều phong nhã như tơ trời. Họ càng buồn khi không được đặt chân vào gian phòng sặc mùi á phiện của cha Huỳnh Thủy Lê để mường tượng cảnh ông quỳ lạy van xin cho mối tình ngang trái của mình.

Ngôi nhà có diện tích 258 m2 với lối kiến trúc Đông - Tây giao duyên. Lối kiến trúc chính vẫn là nhà 3 gian như hàng ngàn ngôi nhà miền Tây. Mặt tiền được trang trí bởi các hoa văn chuông muông, cây cỏ tượng trưng cho 4 mùa cầu mong sự sung túc cho gia chủ. Trong khi đó cửa sổ được trang trí với hoa văn phương Tây thường thấy. Những vật dụng hiếm hoi còn giữ lại là chiếc bàn thờ Quan Công giữa sảnh với những chạm khắc tinh xảo, màu nâu bóng vì thời gian. Một chiếc gương to hoen ố, tủ trang điểm, tủ quần áo... Bước vào gian trong là thế giới của gia đình Người tình. Hai căn phòng gỗ hai bên với họa tiết cây trúc thanh mảnh. Chút rờn rợn của căn nhà quyền lực ấy còn sót lại trên chiếc phản gỗ khảm xà cừ nơi ông Huỳnh Thuận ép con mình từ bỏ tiếng nói của con tim để cứu vớt một danh gia sắp hết thời. Sau đêm nghiệt ngã của đời mình, Huỳnh Thủy Lê đã thành hôn với tiểu thư Nguyễn Thị Mỹ, người Gò Công (Tiền Giang) nổi tiếng về giàu có. Căn phòng của đôi vợ chồng bất đắc dĩ ấy nay đã mất dấu vì không được bảo tồn. Khu vườn xanh như ngọc của ngôi nhà cũng biến mất để thay bằng một sân xi măng lạc điệu. Gian nhà bếp bên góc trái khu đất cũng biến mất từ lúc nào cũng không ai hay biết.

Nước Nào Chẳng Mát, Tình Nào Chẳng Nồng - Mặc dù đã cố níu kéo để được sống trên mảnh đất của những rung động tình yêu nhưng Huỳnh Thủy Lê buộc phải theo vợ con lên Sài Gòn. Cuộc hôn nhân đã cứu được gia đình họ Huỳnh. Ông vẫn sống cuộc đời sung túc, danh vọng và còn làm sui với một phó tổng thống của chính quyền Sài Gòn trước đây. Ông mất vào năm 1972, được an táng trên mảnh đất kỷ niệm Sa Đéc, nay tọa lạc trên đường 30-4 (phía sau khách sạn Bông Hồng). Đến năm 1996, Marguerite Duras cũng qua đời mang theo nỗi nhớ khôn nguôi về người tình Trung Hoa, về dòng sông xứ Việt dù giam mình trong kinh thành ánh sáng Paris.

Trên con đường tìm lại “dấu xưa tích cũ” của Marguerite Duras, chúng tôi còn tìm đến ngôi trường tiểu học Trưng Vương (xưa là École De jeunes filles) do mẹ bà làm hiệu trưởng. Trường nữ Tiểu học vẫn còn được giữ nguyên kiến trúc Pháp, là nơi khách Pháp thường tìm đến giao lưu. Ngôi nhà của gia đình Marguerite Duras gần Cầu Quay không còn nhận ra dấu tích..

Trở về ngôi nhà của Người tình trong một buổi chiều gió lộng. Gió từ dòng sông Sa Đéc thổi vào bao lơn trước nhà rồi đi vào thế giới sâu hun hút của Huỳnh Thủy Lê. Người tình đã đi xa, dấu vết kỷ niệm cũng nhạt nhòa nhưng nước sông nào chẳng mát, tình yêu nào mà chẳng nồng nàn... Cứ thế, hàng ngàn người âm thầm về chốn này như yêu thương tuôn chảy không phút nghỉ ngơi.

(Biên Soạn Theo Phạm Thái Thanh, báo Người Lao động)


Hủ tiếu Sa Đéc


Đã từ lâu có 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng nhất ở các tỉnh phía Nam, đó là: Mỹ Tho, Nam Vang và Sa Đéc. Tuy không nổi đình nổi đám bằng hai "bậc đàn anh", nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn có một giá trị đặc biệt trong lòng người sành thưởng thức món ngon.
Bánh hủ tiếu Sa Đéc sợi vừa phải, mềm mà không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Bánh hủ tiếu Sa Đéc làm nên hủ tiếu Sa Đéc. Nước lèo hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu với xương heo, phải thăm chừng độ lửa, phải biết hớt bọt mới trong và tỏa thơm hương vị, cũng là một bí quyết.
Nguyên liệu quan trọng khác của hủ tiếu Sa Đéc là thịt nạc băm, thịt nạc nguyên miếng dày, miếng chả vàng, tim, gan, phèo... đều mới "ra lò", còn nóng ấm. Điểm xuyết nét đẹp mắt và ngon thơm miệng lưỡi cho tô hủ tiếu Sa Đéc có hành lá xắt nhuyễn, mấy cọng ngò, nhất là sự hiện diện của "tăng xại" - cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa. Bên cạnh tô hủ tiếu là dĩa giò cháo quẩy, dĩa rau tươi (giá, hẹ cắt đôi, cần tàu và xà lách), chén nhỏ xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Trước năm 1975, ở Sa Đéc có các quán hủ tiếu nổi tiếng là: Quán chú Cá, Chí Thành, Lãnh Nam (đường Trần Hưng Đạo).
Trước năm 1975, hủ tiếu Sa Đéc có mặt tại Sài Gòn, do một nữ nghệ sĩ lấy sinh quán và thứ của mình làm nghệ danh: Bà Năm Sa Đéc. Quán hủ tiếu của bà Năm Sa Đéc nằm ở góc đường Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương, bày trí bằng tre lá theo phong cách "văn minh miệt vườn".
Bánh hủ tiếu của bà được lấy từ làng bột Tân Phú Đông mỗi ngày, do cánh xe đò Sa Đéc - Sài Gòn chuyển tới. Khách có thể gọi tô hủ tiếu xương hoặc thịt. Dù là xương hay thịt thì đều mềm và có hương vị đặc biệt không đâu có. Hương vị ấy là do tay nghề của người nữ nghệ sĩ tài ba này nêm nếm. Bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc, quán của bà còn bán bánh bao làm theo công thức mà ngày xưa ông Cả Cần ở Long An ưa chuộng, được người ta gọi là bánh bao Cả Cần.
(Theo Báo Thanh Niên)

Chùa Kiến An Cung


Kiến An Cung là một ngôi chùa cổ có niên đại gần trăm năm. Lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Trung Hoa đã tạo nên nét đặc trưng riêng của một ngôi chùa Hoa ở Nam Bộ. Chùa có diện tích trên 1.000m2, tọa lạc tại phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Mặt chùa hướng ra bờ sông Cái Sơn.

Chùa Kiến An Cung được xây dựng từ năm 1924 đến năm 1927 thì hoàn thành, do nhóm người Hoa Phước Kiến cùng đóng góp xây dựng. Lúc bấy giờ, có một thương gia tên là Huỳnh Thuận đã vận động đông đảo người Hoa Phước Kiến ở Sa Đéc hùn tiền để lập chùa. Thứ nhất là để duy trì tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, thứ hai là có nơi để liên kết cộng đồng, hội họp, bàn bạc việc buôn bán, trao đổi thông tin...

Kiến An Cung thờ nhiều vị thần nhưng vị thần chính ở đây là Ông Quách. Khác với người Hoa Quảng Đông thường thờ Quan Công, cộng đồng người Hoa Phước Kiến có lòng sung kính Ông Quách hơn. Vì lẽ đó mà Kiến An Cung còn được gọi là chùa Ông Quách. Ông Quách còn gọi là Quách thành Vương công. Quách thành Vương công cũng là Bảo an quảng trạch Tôn Vương. Thời ngũ đại hậu Tấn, người gốc huyện An Khê, tỉnh Phước Kiến. Từ lúc cha qua đời, mẹ dời chỗ ở đến Thi Sơn, tại huyện Nam An, tỉnh Phước Kiến. Thành vương sinh ra tính khác thường, ý khí hào vĩ, phụng sự mẹ hiền hiếu thuận. Tiên thế đời đời hành thiện đều được phong hầu hưởng phước lộc.

Năm 13 tuổi, thành vương đắc đạo tại núi Phụng Sơn, tọa trên cây mây khô rồi hóa thân. Thời ấy, có kiến lập Phụng Sơn tự để thờ phượng, nhằm đời hậu Tấn Thiên Phúc năm thứ 5 (nhằm ngày 22 tháng 8).

Đến trào Tống ông đã từng hiển thánh giúp Tống Thái Tổ chinh phạt Nam Đường, thọ phong chức Quảng Lợi vương. Vào thời nhà Minh, lúc hoàng cung bị phát hỏa, Thành Vương lại hiển thánh cứu hỏa bình yên, và trục lùi giặc Lùn trên biển cả, được gia phong chức “Ứng linh uy hầu”.

Chùa mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc, với tổng thể là hình chữ Công () gồm ba gian: Đông lang, Tây lang và khu chánh điện thì rộng hơn. Mái ngói gồm 3 lớp, mặt trên ngói, giữa gạch, dưới là ngói. Ngói được lợp theo gợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo kiểu "ngũ hành". Mỗi đầu ngọn sóng là một cung điện thu nhỏ, bao gồm có 6 cung điện. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn. Trên những bức tường của chùa là những hình ảnh trong Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Nhị Thập Tứ Hiếu... Phía cổng vào là hai con Kỳ Lân bằng đá xanh rất lớn, phía trên là tấm hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Tại chính giữa chánh điện là gian thờ đức Quảng Trạch Tôn Vương, tượng ông được đúc bằng đồng đỏ với gương mặt phúc hậu, tay cầm đai ngọc, bên cạnh là hai vị thần khác. Phía tay phải của ông là nơi thờ đức Thanh Thủy Tổ Sư, bên trái là Bảo Sanh Đại Đế. Còn hai gian ngoài tức Đông Lang và Tây Lang là nơi thờ một số vị thần khác như Quan Thánh Đế Quân...Phía trên các khánh thờ có một hoành phi đề bốn chữ Hán “Phú bảo an đông”. Hai bên cột có đôi liễn:

Đông thôn chúc thánh đức thành cung hách trạc thạnh trùng tu
Phú Mỹ tạ thần án, khánh hạ nguy nga hưng miếu tự

Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã được trùng tu ba lần nhưng vẫn nằm tại vị trí cũ. Mỗi năm chùa có hai lễ hội lớn vào ngày 22-2 Âm lịch và 22-8 Âm lịch đón tiếp nhiều khách thập phương. Với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa, với một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27-4-1990.

(Biên soạn theo www.wikipedia.org)