Thứ Ba, 11 tháng 9, 2007

Hủ tiếu Sa Đéc


Đã từ lâu có 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng nhất ở các tỉnh phía Nam, đó là: Mỹ Tho, Nam Vang và Sa Đéc. Tuy không nổi đình nổi đám bằng hai "bậc đàn anh", nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn có một giá trị đặc biệt trong lòng người sành thưởng thức món ngon.
Bánh hủ tiếu Sa Đéc sợi vừa phải, mềm mà không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Bánh hủ tiếu Sa Đéc làm nên hủ tiếu Sa Đéc. Nước lèo hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu với xương heo, phải thăm chừng độ lửa, phải biết hớt bọt mới trong và tỏa thơm hương vị, cũng là một bí quyết.
Nguyên liệu quan trọng khác của hủ tiếu Sa Đéc là thịt nạc băm, thịt nạc nguyên miếng dày, miếng chả vàng, tim, gan, phèo... đều mới "ra lò", còn nóng ấm. Điểm xuyết nét đẹp mắt và ngon thơm miệng lưỡi cho tô hủ tiếu Sa Đéc có hành lá xắt nhuyễn, mấy cọng ngò, nhất là sự hiện diện của "tăng xại" - cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa. Bên cạnh tô hủ tiếu là dĩa giò cháo quẩy, dĩa rau tươi (giá, hẹ cắt đôi, cần tàu và xà lách), chén nhỏ xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Trước năm 1975, ở Sa Đéc có các quán hủ tiếu nổi tiếng là: Quán chú Cá, Chí Thành, Lãnh Nam (đường Trần Hưng Đạo).
Trước năm 1975, hủ tiếu Sa Đéc có mặt tại Sài Gòn, do một nữ nghệ sĩ lấy sinh quán và thứ của mình làm nghệ danh: Bà Năm Sa Đéc. Quán hủ tiếu của bà Năm Sa Đéc nằm ở góc đường Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương, bày trí bằng tre lá theo phong cách "văn minh miệt vườn".
Bánh hủ tiếu của bà được lấy từ làng bột Tân Phú Đông mỗi ngày, do cánh xe đò Sa Đéc - Sài Gòn chuyển tới. Khách có thể gọi tô hủ tiếu xương hoặc thịt. Dù là xương hay thịt thì đều mềm và có hương vị đặc biệt không đâu có. Hương vị ấy là do tay nghề của người nữ nghệ sĩ tài ba này nêm nếm. Bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc, quán của bà còn bán bánh bao làm theo công thức mà ngày xưa ông Cả Cần ở Long An ưa chuộng, được người ta gọi là bánh bao Cả Cần.
(Theo Báo Thanh Niên)

Không có nhận xét nào: